Đời sống

Sai lầm nhiều người mắc phải khi phòng, trị sốt xuất huyết ở nhà

Tham gia buổi tư vấn "Phòng, trị sốt xuất huyết" diễn ra sáng nay trên VnExpress, hai chuyên gia của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin về cách phòng, trị sốt xuất huyết hiệu quả.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhận định tình hình bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp. Các năm trước thành phố chỉ ghi nhận 2 type virus D1, D2 gây sốt xuất huyết, năm nay xuất hiện thêm cả type D3, D4. Với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, trong những tuần tới số ca sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi sinh viên quay trở lại học.

Cùng quan điểm với bác sĩ Trung Cấp, Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cũng nên sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học được Bộ Y tế cấp phép và cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của cơ quan y tế.

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

- Bác sĩ cho em hỏi, từ đêm qua em có cảm giác ớn lạnh giống sốt rét, phải đắp thêm nhiều lớp chăn, cảm giác mệt mỏi đau lưng, đau đầu, buồn nôn nhưng chưa có dấu hiệu sốt cao, thì có phải bị sốt xuất huyết không ạ? (Nguyễn Thị ánh Tuyết, 27 tuổi, 23 Phan Chu Trinh)

- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương:

Thân chào bạn và độc giả VnExpress,

Trong những ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt xuất huyết thường chỉ biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người. Những triệu chứng này tương tự nhiều bệnh sốt do virus khác. Để xác định được bị sốt xuất huyết hay không, bạn có thể đến cơ sở y tế thăm khám và làm xét nghiệm.

sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-khi-phong-tri-sot-xuat-huyet-o-nha

Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế và Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tham gia phỏng vấn trực tuyến.

- Chào bác sĩ, bé nhà tôi 2 tuổi, thường sốt cao hay co giật, nếu bị sốt xuất huyết thì làm thế nào để không bị co giật nếu sốt không hạ được. Chườm ấm liên tục và uống nước nhọ nồi có giúp giảm sốt không? Nghe dân gian nói uống là tre mà bị sốt xuất huyết thì sẽ nhanh khỏi hơn phải không? Cám ơn bác sĩ (Yến, 32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Chào bạn,

Trong những ngày đầu sốt xuất huyết, bệnh nhân thường sốt cao. Với những trẻ có tiền căn co giật, nên đi khám để được chỉ định thuốc phòng, chống co giật phù hợp. Khi trẻ sốt, nên nằm phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, có thể chườm mát bằng nước ấm khoảng 35 độ, uống hạ sốt theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nhọ nồi và lá tre cũng có tác dụng hạ sốt, tuy nhiên, tác dụng không quá cao. Bệnh sốt xuất huyết diễn biến tự nhiên theo quy luật của nó, thường tự khỏi sau bảy ngày. Dùng cỏ nhọ nồi và nước sắc lá tre chỉ giúp hạ sốt trong giai đoạn sốt cao, chứ không giúp bệnh khỏi nhanh hơn. 

- Khu Hoàng Mai nhà tôi đang có ổ dịch, phải làm sao để phòng ngừa bệnh? (Đỗ An Ninh, Hà Nội)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền. Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bạn đang ở trong vùng có dịch, có thể có đàn muỗi mang virus đang hoạt động. Để phòng bệnh, bạn cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi như: dùng vợt điện, hương muỗi, bôi kem xua muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, có thể dùng lưới che cửa sổ để muỗi không bay vào nhà và phối hợp với cơ quan y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Bạn đặc  biệt chú ý các thời điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hay đốt là lúc trời nhập nhoạng, sáng sớm và chiều tối.

Về lâu dài, bền vững, bạn cần thường xuyên loại bỏ các nơi muỗi đẻ trứng, phát triển; hàng tuần phải diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước. Đối với các dụng cụ chứa nước lớn, bạn có thể thả cá hoặc đậy kín. Bể nước công trình xây dựng có thể thả hóa chất diệt ấu trùng hoặc dầu. Đối với những dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ cần cọ rửa hàng tuần bằng bàn chải, đặc biệt tại chỗ mép nước. Bạn cũng cần kiểm tra tại bình hoa, khay nước thải của điều hòa, tủ lạnh, bể nước nhà vệ sinh, bát nước kê chân chạn chống kiến. Đối với các vật dụng này, bạn cần thay nước hàng tuần hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng. Đồng thời, lật úp những dụng cụ không dùng đến; kiểm tra vật dụng có thể chứa nước xung quanh nhà để lât úp hoặc tiêu hủy như: mảnh chum, vại; chai, lọ; lốp xe; vỏ dừa; máng hoặc dụng cụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; hốc cây, bẹ lá... 

- Tôi bị sốt suất huyết cách đây một tuần, nhưng đến thời điểm này tiểu cầu của tôi vẫn bị hạ ở mức 119 đơn vị.
Số lượng hồng cầu: 3.51
Số lượng huyết sắc tố 11.3
Thể tích khối hồng cầu: 33.1
Tỷ lệ % bạch cầu trung tính: 33.1
Số lượng bạch cầu trung tính: 1.82
Xin hỏi như vậy có sao không, tôi có cần đến bệnh viện khám lại hay không,
tôi phải làm thế nào để chỉ số tiểu cầu lên được.
Ghi chú: Đây là kết quả xét nghiệm máu ngày 14/8 vừa qua. Hiện nay tôi vẫn đang tiếp tục lấy máu để làm xét nghiệm và theo dõi. Mong bác sĩ tư vấn giúp.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
(Nguyễn Minh Thu, 34 tuổi, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Chào bạn, bệnh sốt xuất huyết thường gây hạ tiểu cầu trong giai đoạn ngày 4-7 của bệnh. Tại thời điểm ngày thứ bảy, tiểu cầu của bạn ở mức 119G/lít là vẫn ở mức thấp, nhưng trong giai đoạn này, xu hướng sẽ tăng dần lên hàng ngày. Hiện tại các chỉ số xét nghiệm của bạn ở mức an toàn và sẽ cải thiện trong những ngày tiếp theo.

- Th­ưa bác sĩ, em có đọc báo và có thấy nhắc đến tinh dầu sả, tràm dùng lau nhà hoặc bôi vào quần áo sẽ đuổi muỗi, những tinh dầu đó có bán ở Trung tâm y tế dự phòng không ạ?  (PHAM THANH HOA, 39 tuổi, Binh chanh - HCM)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Rất nhiều loại cây có tinh dầu có tác dụng xua muỗi như: sả, húng, ngũ da bì... Bạn có thể trồng cây hoặc hái cây tươi để trong nhà hoặc dùng tinh dầu được chiết xuất từ những cây này thì đều có tác dụng xua muỗi. Nhưng biện pháp này chỉ xua được muỗi trong một thời điểm. Về lâu dài, bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy như trên. 

sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-khi-phong-tri-sot-xuat-huyet-o-nha-1

Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tư vấn những biện pháp phòng chống muỗi cho độc giả.

- Chào bác sĩ! Chồng em vừa bị sốt xuất huyết và điều trị về. Nhưng em thắc mắc tại sao không có hiện tượng sốt, chỉ khi thấy xuất huyết khắp người (quá trình này diễn ra trong ba ngày), đi xét nghiệm máu thì bệnh viện xác định là bị sốt xuất huyết cần điều trị. Cho em  hỏi thêm câu nữa, là sau sốt xuất huyết nếu vẫn uống bia rượu có bị ảnh hưởng nhiều không ạ? (Vi Anh Tuấn, 38 tuổi, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Chào bạn, sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể cao hay yếu. Một số bệnh nhân sốt xuất huyết sốt nhẹ hoặc không để ý, bạn có thể nằm trong số đó.

Với người nhiễm virus sốt xuất huyết, thường có tổn thương gan ở mức độ nhất định, nên sau sốt mà xét nghiệm thấy gan có tổn thương nhiều thì cần hạn chế rượu bia.

- Xin hỏi bác sĩ triệu chứng của sốt xuất huyết khác gì so với sốt thông thường? (Hồng Thắm, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Bệnh sốt xuất huyết thông thường sẽ diễn biến qua ba giai đoạn:

Trong 2-3 ngày đầu: Bệnh nhân sốt cao. đau đầu, đau mỏi người, giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm.

Từ cuối ngày thứ ba đến ngày thứ bảy: Bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau. 

Từ ngày thứ bảy: Các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.

- Xin hỏi ông Nguyễn Đức Khoa, Hà Nội đã có bản đồ theo dõi tình hình vùng dịch theo khu vực, chi tiết số lượng người bùng phát là bao nhiêu? Mối nguy hại gây ra....? Tôi muốn hỏi khu vực bị nặng nhất ở là đâu? (Duy Kiên, 30 tuổi, Ba Đình, Hà nội)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Từ đầu năm đến nay, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội diễn biến phức tạp, đến nay đã có hơn 17.000 ca mắc. Bệnh ghi nhận nhiều ở nhóm lao động ngoại tỉnh, học sinh-sinh viên, người ở tại khu vực nhà trọ, khu vực có tốc độ xây dựng cao. Tại đây, môi trường ít được quan tâm xử lý đúng mức, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. 

Dịch bệnh đã ghi nhận ở tất cả các quận, huyện của thành phố; đặc biệt ở một số quận nội thành như: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông và một số huyện ngoại thành như: Thanh Trì... Chúng ta cần tích cực chung tay để thực hiện các biện pháp phòng chống để đẩy lùi bệnh trong thời gian tới. 

- Bác sĩ cho tôi hỏi những nguyên nhân nào gây biến chứng khi bị sốt xuất huyết? (Đỗ Thị Ngân, 42 tuổi, Bắc Ninh)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Virus dengue gây sốt xuất huyết có bốn type: DEN 1, DEN 2, DEN 3, DEN 4. Nếu một người bị nhiễm lần đầu với một type virus nào đó, thường diễn biến khá nhẹ. Nếu nhiễm lần sau với bất kỳ type virus nào khác còn lại, cơ thể sẽ phản ứng mạnh và có thể dẫn đến biến chứng.

Thông thường, 80-90% bệnh nhân sốt xuất huyết có diễn biến tự nhiên, không có biến chứng. 10-20% có thể xuất hiện biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch, cô đặc máu, thậm chí dẫn đến sốc.

Biến chứng khác thường gặp là hạ tiểu cầu máu, làm khó cầm máu. Nếu hạ nhiều sẽ dẫn đến chảy máu tự nhiên dưới da, chảy máu cam, chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng nguy hiểm (dạ dày, não...).

sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-khi-phong-tri-sot-xuat-huyet-o-nha-2

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn độc giả cách phân biệt triệu chứng sốt xuất huyết.

- Chào bác sĩ, tôi đang mang thai tuần thứ 16. Gần nhà có rất nhiều người bị sốt xuất huyết. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, tôi nên làm gì? Có ảnh hưởng  đến thai nhi không? Cảm ơn bác sĩ trả lời (Nguyễn Thị Mai Hòa, 31 tuổi, Vĩnh Hồ, Đống Đa)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Người mang thai khi bị sốt xuất huyết trong giai đoạn ba ngày đầu sốt cao, có thể làm tăng nhịp tim thai, gây ảnh hưởng đến thai. Giai đoạn sau, nếu có các biến chứng như thoát dịch nhiều gây tụt huyết áp, sẽ làm ảnh hưởng đến dòng máu nuôi thai qua bánh rau. Một số trường hợp hạ tiểu cầu nặng có thể gây xuất huyết trong bánh rau, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến xảy thai.

Nếu không may nhiễm virus sốt xuất huyết, bạn nên nhập viện ngay để theo dõi, xử lý kịp thời, nhằm ngăn ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra.

- Dịch bệnh này hiện Hà Nội đã kiểm soát được như thế nào thưa ông Nguyễn Đức Khoa? (Việt Tùng, 28 tuổi, Quan Hoa, Hà nội)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Từ khi dịch bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP Hà Nội đã được khởi động để chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên toàn thành phố. Hàng tuần họp giao ban với ban chỉ đạo của các quận, huyện và giao trách nhiệm phòng chống dịch cho người đứng đầu chính quyền các cấp. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn có mật độ dân số đông, môi trường sống hạn chế nên việc khống chế dịch một số nơi chưa đạt hiệu quả cao. Trong tuần vừa qua, để "hạ hỏa" dịch bệnh tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo phun hóa chất diện rộng và tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy trên toàn thành phố; huy động các máy phun lớn của các tỉnh khu vực phía Bắc về hỗ trợ cho Hà Nội. Cục Y tế Dự phòng đã cấp bổ sung cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai; điều động 6 đội cơ động chống dịch của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương xuống hỗ trợ cho Hà Nội; huy động 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia đội phun hóa chất diệt muỗi. 

Hà Nội cũng đã thành lập hơn 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy tại các tổ dân phố và hơn 4.600 tổ giám sát. Các cơ quan truyền thông đại chúng, báo đài trung ương và địa phương cũng đã chung tay với Hà Nội tích cực truyền thông vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch. 

Trong tuần vừa rồi, tình hình dịch của Hà Nội đã có biểu hiện chững lại. Các ca mắc rải rác, không còn ổ dịch lớn. Tuy nhiên, để tiếp tục khống chế dịch bệnh toàn thành phố, đặc biệt các hộ gia đình cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền và sự hướng dẫn của cơ sở y tế địa phương. 

- Thưa bác sĩ Cấp, có rất nhiều cách xử lý bệnh sốt huyết chia sẻ trên Facebook, có thể sai lệch không chính xác. Xin hỏi bác sĩ phác đồ điều trị và theo dõi cho bệnh này như thế nào? (Phượng Trần, 25 tuổi, Tây Hồ, Hà nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết. Đây là văn bản chính thức, bạn có thể thảm khảo tài liệu trên trang web chính thức của Bộ Y tế hoặc Cục Khám chữa bệnh.

Bất kỳ ai đang sống trong vùng có sốt xuất huyết và bị sốt cao, đau đầu, đau mỏi người nhiều, nên đi khám và xét nghiệm để xác định bệnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối tránh tự ý điều trị theo những hướng dẫn không chính thống trên mạng xã hội.

- Xin ông cho biết về tác dụng phụ của loại thuốc đang phun diệt muỗi hiện Hà Nội đang sử dụng. Cháu nhà tôi năm nay 12 tuổi vô tình hít phải cháu bảo cay và rất khó chịu. Tôi rất lo lắng liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cháu? Có cách nào khắc phục không? (Trang Như, 29 tuổi, Cầu Giấy, Hà nội)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Các hóa chất diệt muỗi ngành y tế sử dụng hiện nay đã được Bộ Y tế khảo nghiệm và cấp phép, an toàn khi sử dụng. Khi cơ quan y tế phun hóa chất, các hộ gia đình cần thu dọn, che đậy các thực phẩm, thức ăn, nước uống, dụng cụ chế biến thức ăn để tránh nhiễm hóa chất. Khi phun, các hộ gia đình cần đóng cửa sổ, cửa ra vào để muỗi không bay ra ngoài. Tất cả mọi người trong gia định, gia súc, gia cầm, vật nuôi cần được di chuyển ra khỏi khu vực phun hóa chất và chỉ quay lại sau tối thiểu 60 phút.

Nếu vô tình bị nhiễm hóa chất vào mắt, miệng hoặc hít phải hóa chất, những trường hợp có cơ địa nhay cảm có thể có một số phản ứng như: ho, hắt hơi, cay mắt, buồn nôn, mẩn ngứa. Những trường hợp này cần được rửa mắt bằng nước sạch, xúc miệng hoặc gây nôn, thường các biểu hiện này sẽ nhanh chóng hết sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu không thấy đỡ thì cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc. 

sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-khi-phong-tri-sot-xuat-huyet-o-nha-3
Đại diện Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 17.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

- Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh nhân sốt xuất huyết có được truyền nước hay uống đạm để tăng cường sức khỏe không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ! (Đới Thị Hương, 22 tuổi, Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Việc chỉ định truyền dịch, truyền nước trong sốt xuất huyết phải căn cứ vào từng giai đoạn và mức độ cụ thể của người bệnh. Trong giai đoạn sốt cao (2-3 ngày đầu của bệnh), tốt nhất nên bổ sung nước bằng cách uống oresol hoặc nước hoa quả.

Trong giai đoạn biến chứng nguy hiểm (4-6 ngày tiếp theo), nếu bệnh nhân có tình trạng thoát dịch nhiều, thầy thuốc sẽ chỉ định truyền dịch với liều lượng và chủng loại phù hợp theo phác đồ.

Sang giai đoạn hồi phục (từ ngày thứ bảy trở đi), có thể bệnh nhân tái hấp thu lượng dịch đã thoát trong giai đoạn trước, cần tránh tuyệt đối truyền dịch.

Như vậy, việc truyền dịch trong sốt xuất huyết cần được bác sĩ xem xét và chỉ định. Tránh tự ý truyền dịch bừa bãi dẫn đến nguy hiểm. 

- Hiện có thuốc tiêm phòng sốt xuất huyết không? (Thùy Lan, 21 tuổi)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu rất nhiều các loại văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết. Có loại đã được một số quốc gia cấp phép lưu hành. Văcxin này cũng đang được đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn trước khi cấp phép tại Việt Nam. 

- Bệnh sốt xuất huyết có thể lây trực tiếp từ người sang người không? (Hùng Tấn, 35 tuổi)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi đốt, không lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc. Nhưng cũng có khả năng lây bệnh nếu lấy máu của người bệnh truyền máu trực tiếp cho người khác hoặc dùng chung bơm kim tiêm. 

- Mẹ tôi năm nay 73 tuổi, cụ bị sốt xuất huyết. Xin tư vấn cho tôi về chế độ ăn uống cho người cao tuổi. Trân trọng! (Lê Trần Phương, 35 tuổi)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường mệt, một số trường hợp có biểu hiện buồn nôn. Người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu, sao cho cảm thấy ngon miệng là được, không cần kiêng khem gì. Tránh thực phẩm quá cứng gây xước sát niêm mạc miệng, có thể khiến máu chảy nhiều hơn bình thường.

- Đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết là ai? (Nguyễn Thị Duyên, 35 tuổi, So 9, Tổ 10, P. Đồng Tiến, Tp Hòa Bình, Hòa Bình)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Ai cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, từ người già đến trẻ em, từ khu vực thành thị đến nông thôn. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp, khi mắc bệnh thì cơ thể có miễn dịch với tuýp virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng các tuýp virus khác. Vì vậy, về lý thuyết một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết tới 4 lần. 

- Chào bác sĩ, năm trước tôi đã bị sốt xuất huyết, nếu năm nay tôi lại bị lần nữa, có phải sẽ bị nặng hơn và nguy hiểm hơn không ạ? Cám ơn bác sĩ. (Trang Nhung, 25 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Virus dengue gây sốt xuất huyết có bốn type: DEN 1, DEN 2, DEN 3, DEN 4. Nếu một người bị nhiễm lần đầu với một type virus nào đó, thường diễn biến khá nhẹ. Nếu nhiễm lần sau với bất kỳ type virus nào khác còn lại, cơ thể sẽ phản ứng mạnh và có thể dẫn đến biến chứng.

sai-lam-nhieu-nguoi-mac-phai-khi-phong-tri-sot-xuat-huyet-o-nha-4

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo người dân không nên tự ý điều trị sốt xuất huyết theo những thông tin không chính thống, mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Cháu đang sống ở khu nội trú, phòng cháu có 3 người nhiễm sốt xuất huyết rồi dù có dọn phòng thì lại đâu vào đấy, nên cháu bôi kem chống muỗi và mắc màn. Cho cháu hỏi là làm như vậy là đã đủ chưa ạ? Cháu chỉ bôi những vùng hở da thịt thì có đủ đuổi muỗi không ạ? (lê văn dương, 22 tuổi, 207 giải phóng)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Bạn bôi kem xua muỗi, ngủ màn thì mới đủ phòng muỗi đốt cho bạn lúc bấy giờ mà không đủ để phòng bệnh lâu dài, phòng bệnh chung cho cộng đồng. Bạn cần cùng với mọi người xung quanh thường xuyên dọn dẹp môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước nơi muỗi đẻ trứng, phát triển, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy và phòng muỗi đốt theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Khi sử dụng kem bôi, bạn cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

- Cho tôi hỏi con gái tôi 12 tuổi hiện đang bị sốt xuất huyết, ngày thứ năm đã giảm sốt và phát ban sang tay. Cháu đang đến tháng nên bị hành kinh khá nhiều. Cho tôi hỏi đó có phải do sốt xuất huyết không, có ảnh hưởng gì không? (Nguyễn Thùy Trang, 38 tuổi, Số 10 Lê Phùng Hiếu)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Trong giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết có thể xảy ra biến chứng hạ tiểu cầu trong máu, làm gia tăng khả năng chảy máu. Một số phụ nữ trong kỳ "đèn đỏ" có thể mất máu nhiều hơn bình thường, nên được theo dõi sát sao số lượng tiểu cầu trong máu và mức độ mất máu để nếu cần, có thể được chỉ định truyền tiểu cầu và máu kịp thời.

- Xin hỏi bác sĩ là sau khi sốt cao 2-3 ngày thì mới có những biến chứng như giảm tiểu cầu, xuất huyết đúng không? Bố tôi bị sốt xuất huyết hiện nay đã là ngày thứ ba và vẫn còn sốt. Tuy nhiên đi phân thì có màu đen. Vậy có cần làm thêm xét nghiệm gì không, vì hôm qua bố tôi xét nghiệm máu thì vẫn bình thường. Bệnh nhân có thể truyền dịch được không ạ? (Hương, 35 tuổi, Nguyễn Khang, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Trong bệnh sốt xuất huyết, từ cuối ngày thứ ba đến ngày thứ bảy, bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có đi ngoài phân đen cần được khám và xét nghiệm ngay, xem có bị chảy máu đường tiêu hóa hay không. Nếu xảy ra biến chứng này, bệnh có thể diễn tiến rất phức tạp và nguy hiểm. 

Việc truyền dịch và chế phẩm máu cần được bác sĩ khám và chỉ định dựa trên tình trạng bệnh của bệnh nhân, không nên tự ý truyền tại nhà.

- Em bị sốt huyết đã bảy ngày nay. Hiện giờ đã hết sốt, người không mẩn đỏ nhưng rất ngứa dưới da, đêm không ngủ được vì ngứa. Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu này có làm sao không ạ? (Lưu việt Anh, 32 tuổi, Hoàng Đạo Thành, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Giai đoạn hồi phục sau sốt xuất huyết, một số bệnh nhân có triệu chứng ngứa hoặc mẩn đỏ da trong vài ngày. Nếu ngứa quá nhiều, bạn có thể đến cơ sở y tế khám để được kê thuốc làm dịu triệu chứng ngứa.

- Tôi có hai mối bận tâm liên quan đến phòng chống sốt xuất huyết. Thứ nhất, với cơ quan làm việc, ngoài việc làm vệ sinh khu vực làm việc, cơ quan có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi và dự kiến dùng thuốc hóa chất cho khu vực xung quanh văn phòng, còn phía trong văn phòng thì dùng thuốc sinh học. Nhờ chuyên gia tư vấn thêm. Thứ hai, nếu nhà có em bé nhỏ thì có nên phun thuốc không hay chỉ cần thực hiện việc vệ sinh gọn gàng, diệt loăng quăng. Xin cảm ơn bác sĩ. (Pham Mong Quynh, 43 tuổi, 3E9 Tran Nao, Quan 2)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Bạn không rõ thuốc sinh học là loại nào. Tuy nhiên, các hóa chất hoặc chế phẩm sinh học dùng để phòng chống muỗi thường có 2 tác dụng diệt hoặc xua muỗi. Người dân nên sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học được Bộ Y tế cấp phép và cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của cơ quan y tế. Nhà bạn có trẻ nhỏ thì vẫn có thể phun hóa chất diệt muỗi được. Khi phun bạn cần đưa trẻ ra ngoài và quay trở lại sau ít nhất 60 phút. 

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các biện pháp diệt muỗi khác như: vợt điện, đèn bẫy muỗi... 

- Xin hỏi bác sĩ nếu trẻ 20 tháng tuổi bị sốt xuất huyết nhưng không biết, vô tình uống thuốc kháng sinh để điều trị (vì cho là bị viêm họng) thì có nguy hiểm gì không? Cách xử lý như thế nào? (Đỗ Văn Thế, 32 tuổi, Hà Nội)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Sốt xuất huyết do virus gây ra, với virus thì kháng sinh không có tác dụng nên trẻ uống kháng sinh không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh không làm tăng nặng sốt xuất huyết. 

- Thưa ông Cấp, làm thế nào để chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tốt trong khi bệnh viện đang quá tải. Ông có lưu ý gì với bệnh nhân khi tới khám? (Mai Trang, 33 tuổi)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế đã phân tuyến chữa bệnh rõ ràng. Những bệnh nhân sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ. Trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, nặng hoặc nguy kịch mới cần nhập viện. Người bệnh nhẹ không nên đổ đồn lên tuyến trên, gây tình trạng quá tải không cần thiết, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

- Xin được hỏi có phải là không phải tất cả các loài muỗi đều truyền bệnh sốt xuất huyết? Nếu vậy xin cho biết loại muỗi nào và đặc điểm hình dáng, tập tính ra sao?  (Phan Trang, 37 tuổi, Tan Phu)

- Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa:

Chỉ có muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 loài chính là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi này có đặc điểm có sọc trắng trên cơ thể, nên chúng ta hay gọi là muỗi vằn. Muỗi Aedes thường sống trong xung quanh nhà, trú đậu tại chất liệu vải như rèm cửa, quần áo, gầm bàn. Muỗi thường để ở dụng cụ chứa nước sạch, đặc biệt là nước mưa, nước máy. Chúng thường đốt vào lúc trời nhập nhoạng như sáng sớm, chiều tối. 

Dựa vào các tập tính này, bạn có thể áp dụng các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, tránh muỗi đốt theo hướng dẫn của ngành y tế cho bản thân và gia đình. 

- Khi bệnh nhân hết sốt, sau bao nhiêu ngày có thể tắm. Sau khi hết sốt có khả năng biến chứng không? (Lê Xuân Khánh, 37 tuổi, 19C Nguyễn Trãi)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể tắm bình thường, chỉ lưu ý nếu hạ tiểu cầu nhiều, tránh kỳ cọ mạnh gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

Từ cuối ngày thứ ba đến ngày thứ bảy của bệnh, bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, bạn cần lưu ý.

- Chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi, mẹ em bị sốt xuyết huyết đã 10 ngày, giờ đã khỏi nhưng người vẫn mệt thì có thể xông bằng lá được không? Em cảm ơn. (Đỗ Hồng Nhuận, 35 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy)

- Thạc sĩ, bác​ sĩ Nguyễn Trung Cấp:

Giai đoạn đầu và giai đoạn biến chứng của bệnh (1-7 ngày đầu), bệnh nhân sốt cao có thể tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch, cần tránh xông lá vì nhiệt độ cao gây ra mồ hôi, mất dịch. 

Giai đoạn mẹ bạn sang ngày thứ 10, bệnh đã hồi phục, có thể xông lá cho bớt mệt mỏi.

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ