Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt vào thời điểm nào?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypti. Đây là loại muỗi đốt ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Vì thế, bác sĩ khuyên nên ngủ màn, mặc quần áo dài tay ngay cả vào ban ngày.
Loại muỗi này thường trú ngụ ở đâu?
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
|
Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh tại Hà Nội. Ảnh: P.T.
|
Phun hóa chất diệt muỗi như thế nào mới đúng?
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần lưu ý phải phun thuốc tất cả các tầng trong nhà, nếu chỉ phun tầng 1-2, các tầng cao không phun thì không có tác dụng vì muỗi có thể sống trên tầng cao. Ngoài ra, khi phun thuốc thì phải phun tất cả nhà, nếu chỉ một nhà phun thì muỗi có thể bay từ nhà này sang nhà khác. Khi phun thuốc, về nguyên tắc phải đóng hết cả các cửa sổ, chỉ để cửa ra vào cho người vào phun, sau 30 phút đến một tiếng mới vào nhà.
Tuy nhiên, phun hóa chất chỉ là biện pháp nhất thời để diệt muỗi truyền bệnh, quan trọng nhất vẫn là diệt loăng quăng, bọ gậy - nguồn ổ bệnh.
Bất cứ chỗ nào có nước mưa đọng là có ổ bọ gậy
Muỗi vằn đẻ trứng chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà; không đẻ ở ao tù cống rãnh có nước hôi thối. Hà Nội thống kê có đến 14 nguồn là nơi muỗi vằn đẻ trứng, nhiều nhất là các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm đến 40% sau đó là xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, chậu hoa cảnh, vỏ dừa… Thậm chí, cả nắp nhựa thùng nước, lá cây có nước mưa đọng cũng có bọ gậy.
“Chỗ nào có nước mưa đọng là chỗ đó có bọ gậy, ví dụ ống sắt cắm ô, ống nhựa để cắm cờ, thậm chí hộp cơm vứt ra bãi đất cạnh nhà”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy như sau:
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn.
- Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước.
- Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Một người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể bị lại
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Mắc một tuýp người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời với tuýp này nhưng vẫn có thể bệnh do tuýp khác.
Tại Hà Nội hiện nay lưu hành cùng một lúc 3 tuýp bệnh trong khi trước kia chỉ 1-2. Nguyên nhân có thể do sự giao lưu đi lại giữa các địa phương. Tuy nhiên, virus hiện chưa có sự biến đổi về độc lực.
Khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, nằm trong vùng có dịch người bệnh nên đi khám, tuyệt đối không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, không tự ý truyền dịch. Bệnh có thể chuyển độ nặng rất nhanh, thường có biến chứng vào ngày thứ 3 trở đi.