Đời sống

Mổ lấy kim khâu khỏi tim bé trai 13 tuổi

Bé trai 13 tuổi quê Bình Phước bị kim đâm trúng khi nằm úp ngực xuống gối cách đây 2 tháng. Cậu bé tự lấy cây kim ra nhưng chỉ rút được một nửa thì kim gãy, còn một nửa nằm trong cơ thể. Từ đó trở đi bệnh nhi luôn có những cơn đau ngực. Lần gần đây đau dữ dội đến ngất xỉu nên bé mới kể với bố mẹ chuyện đã xảy ra và được đưa lên TP HCM thăm khám.

Phó giáo sư Vũ Minh Phúc, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, lúc nhập viện bệnh nhi tỉnh táo nhưng điện tâm đồ có những cơn nhịp rất nhanh, siêu âm thấy tràn dịch ngoài tim. Kíp trực trong đêm nghĩ rằng kim nằm ngoài thành ngực nên mổ mở ngực để rút kim. Tuy nhiên, khi mở cơ ngực thành bên ra thì không thấy tim đâu cả.

Sáng hôm sau, bệnh nhi được cho làm các xét nghiệm, CT, siêu âm và phát hiện kim nằm ở vùng mỏm cơ tim thất trái. Cuộc họp khẩn được tổ chức. Y văn thế giới trước đó chỉ ghi nhận 30 trường hợp tương tự. Phần lớn bệnh nhân được mổ lấy kim. Còn lại vài trường hợp dị vật nhỏ, không gây nhiễm trùng, không có triệu chứng về lâm sàng, nằm sâu trong lớp cơ không di chuyển thì không mổ lấy ra mà để theo dõi, chung sống hòa bình.

Bé trai hồi phục tốt sau ca mổ lấy dị vật ở tim. Ảnh: T.P

Bé trai hồi phục tốt sau ca mổ lấy dị vật ở tim. Ảnh: T.P

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định trường hợp này rất hy hữu. Đây là cuộc mổ lớn và rất khó, đòi hỏi phải chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, cho tim ngưng đập mới lấy được dị vật ra. Quyết định mổ được đưa ra sau nhiều lần cân nhắc. Do tim co bóp liên tục nên dị vật sẽ không khu trú như khi vào các bộ phận khác mà di chuyển liên tục. Kim ban đầu chỉ vào thành ngực và đang có khuynh hướng vào sâu bên trong. 

"Dị vật đã gây ra những triệu chứng tim mạch, mệt ngất, nhiễm trùng..., nếu không lấy ra sẽ khiến bệnh nhi đối diện nhiều rủi ro", bác sĩ Hiếu phân tích. Khối mủ nhiễm trùng có thể di chuyển theo đường máu lan ra toàn cơ thể, làm tắc mạch ở nhiều bộ phận. Ngoài ra bệnh nhi có thể nguy cơ loạn nhịp tim, rối loạn nhịp thất dẫn đến rung thất, huyết khối gây thuyên tắc nguy hiểm tính mạng...

Bác sĩ Nguyễn Kinh Ban, Phó Khoa Ngoại tổng hợp, trưởng kíp mổ, cho biết, mục tiêu đặt ra là phải làm sao thương tổn tim ít nhất mà vẫn lấy được dị vật. Nếu vào mổ, xẻ tim ra mà không tìm thấy dị vật phải xẻ chỗ khác thì sẽ gây tổn thương rất lớn. Do đó cả ê kíp đã lên phương án rất kỹ, chuẩn bị phương tiện xác định chính xác vị trí dị vật bằng không gian ba chiều ngay trước và trong cuộc mổ. 

"May mắn sau khi cho ngừng tim, xác định đúng vị trí thì chỉ rạch một đường nhỏ các bác sĩ đã phát hiện được dị vật. Sau 10 phút, kíp mổ lấy được dị vật là cây kim dài 2 cm ra ngoài", bác sĩ Ban chia sẻ. Do kim nằm khá lâu trong tim nên đã gỉ sắt khá nhiều. Sau mổ bệnh nhi hiện ổn định, nhịp tim tốt, hồi phục sức khỏe nhanh.

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ