Đời sống

Lạc quan giúp Stephen Hawking sống cùng bệnh tật đến 76 tuổi thay vì vài năm

  • Mắc bệnh hiểm nghèo khi mới 21 tuổi, giáo sư Stephen Hawking biết rằng cái chết rồi sẽ đến. Bác sĩ khi ấy thậm chí dự đoán ông chỉ sống được vài năm ngắn ngủi. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, thiên tài vật lý đã sống thêm hơn 50 năm để tiếp tục khám phá những bí ẩn sâu thẳm nhất của vũ trụ đồng thời trở thành điều kỳ diệu của y học.

  • Giải mã nguyên nhân giáo sư Hawking sống lâu dù bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), các chuyên gia đưa ra hàng loạt giả thuyết, từ yếu tố di truyền đến việc chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất có lẽ chính là tinh thần lạc quan, bình thản không sợ sệt. 

  • Chân dung giáo sư Stephen Hawking. Ảnh: Lurlo.

    Giáo sư Stephen Hawking. Ảnh: Lurlo.

  • Năm 2004, trong bài phỏng vấn với tờ New York Times, giáo sư Hawking trải lòng: "Mọi kỳ vọng của tôi đã giảm xuống 0 khi tôi 21 tuổi. Từ đó trở đi, mọi thứ đều là phần thưởng". Đối với ông, căn bệnh ALS cùng tiên lượng ngày ấy đã đem tới cái nhìn khác về cái chết.

  • Trái với suy nghĩ của nhiều người, Hawking ít nghĩ về bệnh tật. Ông không để nghịch cảnh kiểm soát bản thân mà lấy đó làm động lực cống hiến hết mình cho khoa học. Năm 2011, giáo sư chia sẻ với The Guardian: "Tôi đã sống với viễn cảnh chết sớm suốt 49 năm qua. Tôi không sợ cái chết, nhưng tôi cũng chẳng vội vã ra đi. Tôi còn nhiều điều muốn làm".

  • Hiểu rõ cuộc đời hữu hạn, Hawking càng trân trọng sự sống. Ông quan niệm: "Dù khó khăn đến thế nào, vẫn có những thứ bạn có thể làm và thành công. Điều quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc". Bên cạnh đó, nhà vật lý kiệt xuất bày tỏ suy nghĩ riêng về cái chết êm ái: "Một người có quyền chấm dứt cuộc sống nếu muốn nhưng tôi nghĩ rằng đó là một lỗi lầm lớn. Còn sống là còn hy vọng". 

  • Đặc biệt, Hawking không tin vào kiếp sau. Xem bộ não như một cỗ máy tính, ông khẳng định: "Không có thiên đường hay kiếp sau cho máy tính hỏng, đó chỉ là câu chuyện thần tiên cho những ai sợ hãi bóng tối". Giáo sư cũng phủ nhận mọi thế lực siêu nhiên và nhấn mạnh con người tự làm chủ vận mệnh. 

  • Với tinh thần lạc quan như thế, ông hoàng vật lý Stephen Hawking không chỉ sống đầy trọn vẹn mà còn tạo cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Ngày 14/3, nhà khoa học lỗi lạc ra đi yên bình tại nhà riêng.

  • Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942 là nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học kiêm tác giả viết sách khoa học thường thức Anh. Ông đảm nhận vị trí giám đốc nghiên cứu Trung tâm Lý thuyết Vũ trụ học thuộc Đại học Cambridge.

    Trong số những công trình khoa học quan trọng của Hawking, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking).

    Năm 21 tuổi, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh ALS. Ông hầu như liệt toàn thân, phải sử dụng xe lăn và giao tiếp qua thiết bị hỗ trợ gắn với máy tính. Mỗi khi cần nói, ông gõ chữ vào máy tính.

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ