Công trình về chuyển phôi khi thụ tinh ống nghiệm do tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện. Đây là lần đầu nghiên cứu do một nhóm bác sĩ Việt Nam thực hiện được công bố trên tạp chí y khoa uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới The New England Journal of Medicine (NEJM) - được ví như "Kinh thánh" của ngành y toàn cầu.
Tiến sĩ Ngọc Lan cho biết, mỗi năm trên thế giới ước tính khoảng 1,5-2 triệu cặp vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm. Mỗi trường hợp đều được đặt ra câu hỏi nên chuyển phôi tươi hay trữ đông lạnh rồi sau đó mới rã đông để chuyển. Nhiều chuyên gia trên thế giới vẫn loay hoay đi tìm lời giải nên chọn phương pháp nào sẽ hiệu quả.
Các trung tâm thụ tinh ống nghiệm trước đây có xu hướng chuyển phôi tươi, sau đó một số báo cáo cho thấy kết quả tỷ lệ có thai giảm. Một số nơi chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ với hy vọng cải thiện kết quả có thai. Tuy nhiên việc đông lạnh phôi toàn bộ lại làm tăng chi phí và làm trì hoãn cơ hội có thai của người bệnh thêm vài tháng.
|
Bài nghiên cứu được đăng tải ngày 11/1.
|
Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ngọc Lan trao đổi về ý tưởng thực hiện nghiên cứu với giáo sư Ben Mol và giáo sư Robert Norman, Đại học Adelaide, Australia, vốn là hai chuyên gia đã hợp tác, hỗ trợ rất nhiều với đồng nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm. Hai giáo sư rất ủng hộ, bởi các bác sĩ Australia muốn thực hiện nghiên cứu này nhưng chưa thể triển khai do không có trung tâm thụ tinh ống nghiệm lớn, tập hợp đông bệnh nhân và nhóm bác sĩ đủ tâm huyết như Việt Nam.
Đầu năm 2015 các bác sĩ bắt đầu quá trình nghiên cứu trên 792 bệnh nhân. Kết quả cho thấy việc chuyển phôi tươi mang lại hiệu quả tương đương như đông lạnh phôi, chuyển phôi sau rã đông.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả nghiên cứu cho biết kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng. Cả hai phương pháp đều không làm thay đổi cơ hội có thai, nghĩa là không nên bắt buộc mọi người phải theo cách nào mà tùy từng trường hợp, hoàn cảnh để chọn lựa phù hợp. Hai phương pháp giúp tăng sự linh động, giảm chi phí, cá thể hóa điều trị cho các cặp vợ chồng mong con.
“Nhiều người lo lắng trữ đông khiến phôi yếu đi nên chuyển nhiều phôi tươi trong lần đầu, dẫn đến khả năng đa thai cao”, bác sĩ Tường phân tích.
Với kết quả nghiên cứu này, sau chu kỳ chuyển phôi tươi đầu tiên, bệnh nhân có thể đông lạnh tất cả phôi còn lại và chuyển sau đó một cách an toàn, hiệu quả. Người bệnh tăng cơ hội có thai mà giảm tối đa nguy cơ đa thai.
Sau hai năm nghiên cứu, tháng 3/2017, nhóm bác sĩ gửi báo cáo dài 200 trang tiếng Anh đến tạp chí The New England Journal of Medicine. Trải qua ba vòng thẩm định sơ bộ, ban biên tập tạp chí đã gửi phản biện dài 14 trang, yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung, giải thích nhiều vấn đề. Sau hơn 10 lần email trao đổi, chỉnh sửa kéo dài trong 10 tháng, nghiên cứu mới được tạp chí này đồng ý công bố.
|
Bác sĩ Ngọc Lan (áo đen, thứ 4 từ phải sang) và một số thành viên trong nhóm nghiên cứu. Ảnh: M.Đ
|
Giáo sư Ben Mol đánh giá cao khả năng thực hiện nghiên cứu của nhóm chuyên gia Việt Nam, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân cũng như y bác sĩ trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm thế giới. Nhiều chuyên gia quốc tế rất bất ngờ khi các bác sĩ Việt Nam có thể tự lực ghi tên vào bản đồ nghiên cứu khoa học thế giới.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales tại Australia, thành viên hội đồng xét duyệt tạp chí The New England Journal of Medicine cho biết đây là lần đầu tiên một tác giả Việt Nam tự chủ trì, lên ý tưởng, thực hiện nghiên cứu và công bố. Giáo sư Tuấn xem đây là niềm vinh dự và cú hích rất lớn của giới khoa học trong nước.
"Bác sĩ Việt không tốn kém nhiều kinh phí vẫn có thể tự lực thực hiện những nghiên cứu tầm quốc tế chất lượng rất cao", giáo sư Tuấn đánh giá. Một vài nghiên cứu được công bố trước đây thường là do người Việt Nam sinh sống làm việc tại nước ngoài thực hiện, hoặc tác giả nước ngoài chủ trì như tại Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM).
Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP HCM. Bác sĩ Lan là tác giả và đồng tác giả 14 bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có NEJM, Human Reproduction, Fertility & Sterility, hơn 40 báo cáo trình bày tại các hội nghị khoa học khu vực và quốc tế. Các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã công bố nhiều công trình trong khu vực và trên thế giới, hợp tác với nhiều trung tâm thuộc các trường đại học lớn.
Tạp chí The New England Journal of Medicine đã hoạt động hơn 200 năm, được các nhà khoa học trên thế giới xem là "Kinh thánh" của y khoa, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Các nghiên cứu được công bố trên tạp chí này đều có tác động rất lớn, là "tiêu chuẩn vàng" của thực hành lâm sàng toàn thế giới. Mỗi tuần tạp chí xuất bản một số, mỗi số chọn đăng vài nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia gửi đến. Tiêu chuẩn chọn bài để đăng hết sức gắt gao và khó khăn về cả hình thức lẫn nội dung với nhiều vòng thẩm định của các chuyên gia hàng đầu cùng ban biên tập. Trung bình trong 100 công trình được gửi đến thì chỉ 1-2 bài được chọn đăng. Do đó có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí này được xem là niềm tự hào với những người làm ngành y.
|