Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tình trạng thất bại sau phẫu thuật cột sống xảy ra khi một bệnh nhân phẫu thuật cột sống xong mà vẫn còn đau. Thống kê cho thấy hội chứng thất bại sau phẫu thuật cột sống gặp ngày càng nhiều, chiếm khoảng 4-10% số ca phẫu thuật cột sống, bệnh nhân lo âu, mất ngủ dẫn đến trầm cảm. Việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Có nhiều yếu tố gây tình trạng thất bại sau phẫu thuật cột sống, chẳng hạn như phẫu thuật viên không tuân thủ đúng chỉ định, điều kiện và kỹ thuật. Ngoài ra, có thể do đĩa đệm còn sót lại sau phẫu thuật, thoát vị đĩa đệm tái phát, mô xơ sẹo sau mổ, thần kinh tổn thương, mất vững cột sống, trầm cảm, mất ngủ, lo âu. Những trường hợp kèm theo bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, bệnh tự miễn, thần kinh ngoại biên... cũng có thể bị đau sau phẫu thuật cột sống.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đau sau phẫu thuật cột sống. Ảnh: TT.
|
Báo cáo tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM năm 2017, bác sĩ Minh Anh cho biết, việc điều trị tình trạng thất bại sau phẫu thuật cột sống cần phải áp dụng đa mô thức, tức là kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Chẳng hạn như sử dụng thuốc opioid, thuốc chống trầm cảm, chống động kinh, vật lý trị liệu, châm cứu, liệu pháp hành vi. Các thủ thuật can thiệp tối thiểu cũng có thể được áp dụng như TENS (dùng dòng điện kích thích qua da để giảm đau), tiêm steroid ngoài màng cứng, tiêm thấm cạnh cột sống, đặt điện cực tủy hay bơm thuốc vào kênh tủy... Một số trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật lại.
Ở góc độ khác, bác sĩ Lê Viết Thắng khuyến cáo bệnh nhân cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật điều trị đau cột sống để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Trên thực tế rất nhiều người bị đau lưng nhưng chỉ khoảng hơn 10% cần phải phẫu thuật. Đa số trường hợp đau lưng sẽ tự khỏi trong vòng một tháng nếu người bệnh sinh hoạt đúng cách, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu hay sử dụng thuốc. Chỉ khi đau lưng kèm với những dấu hiệu nặng như đau lan xuống chân, kèm tê chân, teo chân, rối loạn tiêu tiểu, yếu liệt chân, sụt cân hay sốt không rõ nguyên nhân, gãy xương bệnh lý có thể cần phẫu thuật.
Bệnh nhân cần phải được bác sĩ chuyên khoa đánh giá, hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng gồm chụp X-quang và MRI cột sống, đo điện cơ, chọc dò dịch não tủy... mới đưa ra chỉ định phù hợp.