Đời sống

Đội cấp cứu trên xe máy ở Sài Gòn tiếp cận bệnh nhân trong 5 phút

Thai phụ có dấu hiệu xuất huyết, dọa sinh non, bị nhau tiền đạo. Khi nhận cuộc gọi cấp cứu, kíp trực ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã tìm hiểu biết nhà thai phụ ở sâu trong hẻm nhỏ nên khó tiếp cận bằng xe cứu thương. Kíp trực quyết định cử bác sĩ đi xe máy dễ dàng vào hẻm xử trí sơ cứu trước, sau đó xe cứu thương đến chuyển bệnh nhân vào viện. Chỉ sau hơn 5 phút kể từ khi nhận cuộc gọi, bác sĩ và điều dưỡng cùng trang thiết bị cơ bản đã đi xe máy đến nhà có mặt cạnh bệnh nhân. 

Sau khi đánh giá sinh hiệu, đặt đường truyền bù dịch hạn chế sốc mất máu cho bệnh nhân, bác sĩ cấp cứu yên tâm đưa thai phụ ra ngoài để lên ôtô cứu thương kịp thời vào Bệnh viện Từ Dũ.

Sơ kết 3 tuần thí điểm mô hình cấp cứu xe máy ngày 27/11, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, đánh giá cao tính cơ động của loại hình cứu thương này. Từ ngày triển khai 7/11 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 67 ca cấp cứu ngoại viện thì đến 26 trường hợp tổ chức cứu thương bằng xe máy. Trong số đó có 9 ca kíp cấp cứu xử trí, kê toa tại chỗ, 17 bệnh nhân sau khi sơ cứu phải chuyển đến các bệnh viện bằng ôtô cứu thương.

"Mô hình cấp cứu bằng xe máy cho thấy rõ tính hiệu quả cơ động, phù hợp với các trường hợp nhà bệnh nhân hẻm nhỏ hoặc trong giờ cao điểm, đảm bảo bác sĩ tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất và sẵn sàng phương tiện chuyển viện sau đó", bác sĩ Vui chia sẻ. Thời gian kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân bằng xe máy trung bình khoảng trong 5 phút kể từ khi nhận cuộc họi.

Một số trường hợp bác sĩ đi xe máy đến nhà sơ cấp cứu bệnh nhân trước, nếu xác định cần chuyển viện sẽ gọi báo trung tâm cấp cứu điều phối xe cứu thương đến hỗ trợ. Bác sĩ Vui nói: "Người dân ban đầu có ngỡ ngàng, ngạc nhiên, sau đó ủng hộ đội cấp cứu bằng xe máy. Có người khi gọi điện cấp cứu đã chủ động yêu cầu đội bác sĩ đi bằng xe 2 bánh".

Xe máy cấp cứu lưu thông trên đường TP HCM. Ảnh: Lê Bình.

Xe máy cấp cứu lưu thông trên đường TP HCM. 

Nhiều bệnh viện muốn tổ chức cấp cứu bằng xe máy

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đang xin Sở Y tế TP HCM cho phép triển khai cấp cứu bằng xe máy. Trong khi chờ được duyệt, bệnh viện đã đặt may 30 bộ đồng phục cấp cứu và đảm bảo đủ y bác sĩ trong trường hợp tổ chức cứu thương bằng xe máy. Hiện nay số cuộc gọi cấp cứu đến viện tăng nhanh, địa bàn nhiều hẻm chằng chịt lại thường xuyên bị kẹt xe ở các cửa ngõ ra vào thành phố. Viện có 3 ôtô cứu thương, không đủ để đảm bảo phương tiện vận chuyển cấp cứu.

"Có hôm trời mưa gió, không còn xe cấp cứu, y bác sĩ phải xách túi dụng cụ lên taxi đến nhà bệnh nhân  sơ cứu trước rồi đợi xe của viện đến sau", bác sĩ Khanh chia sẻ. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 30 cuộc gọi cấp cứu. Hiện viện chỉ có 2 xe cứu thương nên không đáp ứng đủ nhu cầu. "Nhu cầu cấp cứu cao, tình trạng kẹt xe của quận khá trầm trọng nên khi kíp y bác sĩ đến hiện trường thường bị người dân phàn nàn xe cấp cứu đến trễ", bác sĩ Quân chia sẻ.

Đại diện Bệnh viện Quận 1, Bệnh viện Quận 4 cũng bày tỏ mong muốn được triển khai cấp cứu bằng xe máy.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cho biết mục tiêu của trung tâm là tiếp cận cấp cứu người dân trong vòng 10 phút. Tuy nhiên do trạm vệ tinh quá ít, trở ngại giao thông khắp nơi... hiện nhiều trường hợp kíp cấp cứu 115 đến hiện trường chậm. Do đó mô hình xe cấp cứu hai bánh được kỳ vọng giúp thời gian tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, nhờ vậy cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn.

Hiện các xe máy cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn được trang bị một số thuốc, thiết bị cần thiết như nẹp cổ, máy hút đàm, máy đo đường huyết, máy sốc điện... "Trung tâm đang tính toán trang bị thêm máy đo điện tim, miếng sốc điện tự động, đồng phục mũ bảo hiểm, áo khoác cho đội cấp cứu xe máy", bác sĩ Long chia sẻ.

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết mô hình cấp cứu môtô hai bánh đã được nhiều nước triển khai thành công. Người cần cấp cứu không chỉ bệnh nhân nặng, chấn thương, tai nạn nghiêm trọng mà cả những trường hợp nội khoa như mệt, khó thở cần bác sĩ đến kịp thời. 

"Thành phố hơn 10 triệu dân, năm 2017 Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM tiếp nhận xử trí hơn 12.000 trường hợp là rất ít", bác sĩ Thượng chia sẻ. Đánh giá của Sở Y tế thành phố sau 3 tuần triển khai mô hình xe cấp cứu hai bánh là "thể hiện rõ ưu thế trong việc tiếp cận hiện trường nhanh, tiết kiệm được chi phí, về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế". 

TP HCM tiếp tục thí điểm mô hình xe cấp cứu hai bánh trong 1-2 tháng nữa để hoàn thiện quy trình, tính toán giá cả hợp lý trước khi triển khai toàn thành phố. 

"Y bác sĩ lái xe hai bánh cần tuân thủ luật lệ giao thông, chạy với tốc độ theo quy định như một xe máy bình thường, chú ý đảm bảo an toàn khi di chuyển", bác sĩ Thượng nhấn mạnh. Các túi đồ sơ cấp cứu trang bị trên xe, vị trí đặt đồ cũng cần đồng bộ, thống nhất, thể hiện tính chuyên nghiệp.

Hai năm qua, TP HCM đã tham quan học tập các mô hình cấp cứu ở nước ngoài để có những cải tiến phù hợp. Tháng 10, Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai đồng phục mới thay cho áo blouse, giúp thuận tiện cho việc sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân. TP HCM đang thử nghiệm hệ thống điều hành cấp cứu thông minh, hướng đến đào tạo chuyên viên cứu thương paramedic (ngoại viện) và phát triển nhiều loại xe cấp cứu.

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ