Ngồi chờ lấy máu xét nghiệm tại sảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị Oanh không giấu nổi sự mệt mỏi. Chị cho biết rất may bị sốt xuất huyết thể nhẹ nên cách ngày vào viện xét nghiệm một lần. Trong khi đó chồng chị bệnh nặng hơn nên ngày nào cũng phải vào viện lấy máu theo dõi vì tiểu cầu có xu hướng giảm.
Sốt ngày thứ 4 tiểu cầu của chồng chị hạ còn 77.000, những ngày sau liên tục không ổn định. “Ngày nào cũng phải đến viện kiểm tra mà anh ấy mệt, có hôm bác sĩ hẹn sáng nhưng đến chiều mới vào. Bác sĩ bảo nếu tiểu cẩu xuống dưới 50.000 phải nhập viện”, chị Oanh mệt mỏi nói.
Trước đó hơn 2 tuần, cậu con trai 5 tuổi nhà chị sốt nghi bị sốt xuất huyết nên vào Bệnh viện Bạch Mai khám. Bé sốt ngày đầu không cần xét nghiệm, chị cho con về nhà uống thuốc hạ sốt và nước pha oresol. Đến chiều bé lại sốt cao, nôn, đau đầu, vào viện bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết.
Ba ngày liên tục con đều sốt cao 39-40 độ C, uống thuốc hạ sốt được một lúc lại nóng, xét nghiệm tiểu cầu bình thường. Ngày nào chị cũng phải đưa con vào viện khám, lấy máu xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Đến ngày thứ 4, chị hoảng khi con bắt đầu chảy máu cam nhiều, từ đó ngày nào cũng xét nghiệm máu. Mỗi lần đưa con vào viện lấy máu là cả hai vợ chồng phải nói dối, nịnh nọt cu cậu đủ kiểu vì cháu đau, sợ. “Bé bảo 'Mẹ bắt con lấy máu nhiều như thế con chết ra đấy thì mẹ làm sao', nghe vừa thương vừa buồn cười”, chị Oanh kể, xót con nhưng không biết làm sao.
|
Các bệnh viện Hà Nội quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết, nhiều gia đình có 2, 3, 4 người cùng bị bệnh. Ảnh: N.P.
|
Nhà chị Hải (Đống Đa) có bốn người thì cả chồng và hai con gái đều bị sốt xuất huyết. Đầu tiên là con gái đang học lớp 8 không ho, không sổ mũi nhưng sốt cao, đau đầu. Vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám, cháu được chẩn đoán bị sốt xuất huyết, bác sĩ yêu cầu nằm viện. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế ở Bệnh viện 108 nên chị xin con về đây điều trị.
Con nằm viện được một ngày thì đến lượt con gái ba tuổi và chồng chị cùng sốt trong một ngày. Xét nghiệm cho kết quả bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, hai bố con điều trị tại nhà, cách ngày vào viện lấy máu xét nghiệm theo dõi một lần.
“Mình được phân công chăm con nằm viện, còn hai bố con nó tự đưa nhau vào viện lấy máu. Nói chung nhà một người ốm đã khổ đến 3 người bệnh thì phải nói là quá khổ”, chị Hải nói. Hiện cả nhà chị sực nức mùi sả do dùng để đốt xông muỗi. Con đi học, chồng đi làm đều mang theo một lọ thuốc xịt xua muỗi.
Dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm tại Hà Nội, tốc độ tăng số ca bệnh nhanh nhất cả nước. Dịch lan ra tất cả quận huyện. 12 nơi đang ở mức báo động đỏ. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 2.000 ổ dịch, với 17.000 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Trong đó, 80% là các ổ dịch nhỏ 1-2 ca bệnh, 15% ổ dịch có 3-5 bệnh nhân, 107 ổ dịch từ 6 bệnh nhân trở lên.
Bệnh truyền qua muỗi đốt do virus Dengue gây ra với 4 tuýp virus gồm D1, D2, D3 và D4. Hà Nội hiện lưu hành đến 3 tuýp virus. Vì thế bác sĩ khuyến cáo người dân dù đã mắc sốt xuất huyết cũng không nên chủ quan vì có thể bệnh lại khi mắc tuýp virus khác.
Muỗi truyền bệnh thường hoạt động hút máu vào ban ngày. Có hai thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn). Thời gian muỗi sốt xuất huyết hoạt động mạnh nhất vào khoảng một giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm nhưng ở mức độ rất thấp.