Ông Phạm Công Viễn quê Đồng Nai mắc bệnh tim đã lâu. Nhập viện 2 tuần trước ông cảm thấy mệt, khó thở nhiều hơn. Thỉnh thoảng 2-3 đêm xuất hiện các cơn khó thở khiến bệnh nhân tỉnh giấc phải ngồi dậy để thở, vã mồ hôi, bắt đầu phù chân.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viên Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán dọa phù phổi cấp, suy tim độ 3, đái tháo đường type 2 và kết quả siêu âm chức năng tống máu tim chỉ còn 21%.
Sau vài ngày nằm viện, tình trạng suy tim vẫn tiến triển xấu dù đã điều trị nội khoa tích cực, điện tâm đồ xuất hiện dạng block nhánh trái. Bệnh nhân nguy kịch mặc dù có nhiều loại máy móc, dịch truyền đặt quanh người. Đặt máy điều trị tái đồng bộ tim là giải pháp duy nhất lúc này.
|
X quang bệnh nhân sau đặt máy.
|
"Trong lúc tiến hành thủ thuật, bệnh nhân lên cơn khó thó dữ dội, khò khè, phổi ran ẩm, tỷ lệ oxy hóa thấp", bác sĩ Thức chia sẻ. Bệnh nhân được tiến hành song song vừa hồi sức xử trí phù phổi cấp bằng thuốc vừa được phẫu thuật. Sau 90 phút, phẫu thuật kết thúc thành công. Hậu phẫu ghi nhận các chỉ số cải thiện rõ rệt, buồng tim nhỏ lại từ 72 mm xuống còn 64 mm, không còn tình trạng mất đồng bộ trong tim. Bệnh nhân xuất viện sau 7 ngày.
Hiện sau 2 tháng từ khi xuất viện, bệnh nhân với "chiếc máy kỳ diệu đặt trong người" hiện đã ổn định sức khỏe. Ông Viễn đã có thể tự sinh hoạt cá nhân được, hoạt động thể dục buổi sáng như đi bộ nhanh, đi bộ đường dốc hay leo cầu thang được 2 lầu không thấy khó thở.
Bác sĩ Thức chia sẻ, suy tim mạn tính là tình trạng bệnh lý tim mạch rất thường gặp, diễn tiến liên tục với tiên lượng tử vong còn cao dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về điều trị nội khoa với nhiều nhóm thuốc, thế hệ thuốc mới ra đời. Phẫu thuật cấy máy tái đồng bộ tim là một kỹ thuật cao trong điều trị suy tim. Hiện nay trên thế giới, đây là phương pháp ưu thế và hiệu quả cao, có thể giúp đảo nghịch quá trình suy tim, tái cấu trúc cơ tim.
|
Bệnh nhân hiện khỏe mạnh, có thể tự thực hiện các sinh hoạt thường ngày. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Phương pháp này đã được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy giúp nhiều bệnh nhân suy tim thoát chết, sống khỏe mạnh. Trở ngại hiện nay là giá thành máy vẫn còn khá cao, trung bình khoảng 400 triệu đồng, tùy loại máy phù hợp với từng bệnh nhân.