Năm 2014, trên trang cá nhân của mình, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow giới thiệu nước chanh pha với than hoạt tính là một trong những thức uống tốt nhất giúp "làm sạch" cơ thể. Bốn năm qua, than hoạt tính được dùng trong nhiều loại sản phẩm từ bánh mì đến viên uống.
|
Đồ ăn, thức uống chứa than hoạt tính có màu đen đặc trưng.
|
Các nhà cung cấp khẳng định than hoạt tính tăng cường năng lượng, làm sáng da, giảm đầy hơi và quan trọng nhất là thải độc. Trên thực tế, than hoạt tính thường được y bác sĩ sử dụng để cấp cứu người nuốt nhầm chất độc hoặc uống thuốc quá liều. Nhờ than hoạt tính, chất độc không đi vào máu mà dần ra ngoài qua phân.
Tuy nhiên, tác động giải độc của than hoạt tính hiện bị nhiều nhà dinh dưỡng giải thích và ứng dụng sai. Theo bà Sophie Medlin, giảng viên Dinh dưỡng từ Đại học King London (Anh), không nên đưa than hoạt tính vào thực đơn bởi bốn lý do.
Ngăn cơ thể hấp thụ dinh dưỡng
Than hoạt tính hay được cho thêm vào nước hoa quả hay nước rau để phát huy tác dụng. Thật ra, nó ngăn cản cơ thể hấp thụ mọi chất dinh dưỡng từ đồ ăn bao gồm vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tốt nhất, chỉ uống nước rau quả, đừng bỏ thêm than hoạt tính.
Giảm hiệu quả của thuốc
Than hoạt tính có thể làm giảm tác dụng các loại thuốc chống trầm cảm và chống viêm. Khi ấy người đang gặp vấn đề sức khỏe lâm vào tình trạng nghiêm trọng hơn.
Tác dụng không kéo dài
Than hoạt tính chỉ tác động lên những thứ có trong dạ dày và ruột vào thời điểm bạn uống nó. Có nghĩa sau một đêm say xỉn, dùng than hoạt tính để giải rượu là hoàn toàn vô ích bởi rượu đã được máu hấp thụ.
Gây một số vấn đề sức khỏe
Than hoạt tính làm chậm hoạt động ruột và có thể dẫn đến buồn nôn, táo bón hoặc đi ngoài phân đen.
Tóm lại, bạn đừng nên vội vã chạy theo các trào lưu thải độc, bởi trừ khi nuốt phải chất độc, cơ thể không thể nhiễm độc tố từ thức ăn. Hơn nữa, bạn đã có sẵn phương tiện thanh lọc cơ thể là gan và thận nên đừng tốn tiền vào các phương pháp không được khoa học chứng minh.