Trên thị trường hiện nay có nhiều dụng cụ rửa mũi cho trẻ, xuất xứ từ Trung Quốc, Canada, Pháp, Mỹ... Giá mỗi chiếc từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng tùy mẫu mã và cách sử dụng bóp bằng tay hay bằng máy.
Dụng cụ rửa mũi có chung cấu tạo là hệ thống van rửa một chiều ngăn vi khuẩn quay ngược trở lại. Nhiều loại trên thân bình được đánh vạch mực nước và chỉ số áp lực theo độ tuổi để người dùng căn chỉnh lực khi bóp chai. Nhiều người còn sử dụng xilanh và nước muối sinh lý NaCl 0,9% để rửa mũi thủ công cho con.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng, Phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, cha mẹ nên rửa mũi trẻ trong trường hợp sổ mũi, nghẹt mũi, có gỉ mũi khô, ngoáy mũi nhiều do ngứa, trẻ đi du lịch xa vừa tiếp xúc với môi trường khói bụi... Rửa mũi giúp làm sạch và đảm bảo sự thông thoáng cho mũi trẻ.
Nên rửa mũi cho trẻ khoảng 3 lần trong một ngày. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên dùng nước muối sinh lý có ngâm qua nước ấm. Rửa mũi quá nhiều lần khiến trẻ có nguy cơ tăng viêm nhiễm, niêm mạc trầy xước, chảy máu. Động tác không đúng sẽ làm trẻ lo sợ, chống cự, ảnh hưởng tâm lý, bác sĩ Sáng khuyến cáo.
"Nếu mũi bé sạch sẽ khô ráo mà rửa mũi sẽ vô tình làm mất đi chất nhầy tự nhiên bảo vệ niêm mạc mũi. Nguy hiểm hơn, áp lực bơm quá mạnh dễ khiến trẻ bị hít sặc, vi khuẩn lan xa hơn gây viêm tai giữa và viêm hô hấp dưới", bác sĩ nhấn mạnh.
|
Không bơm rửa mũi với áp lực quá mạnh để tránh tổn thương niêm mạc mũi trẻ.
|
Hướng dẫn các bước rửa mũi cho trẻ đúng cách
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, rửa mũi ở tư thế nằm nghiêng. Đặt bé nằm lên mặt phẳng, mông cao hơn đầu.
- Đặt sẵn khăn mềm bên dưới, khi nước chảy ra có thể lau sạch luôn cho bé.
- Sau đó, đưa đầu ống dụng cụ ngay lỗ mũi phía trên của trẻ, bóp nhẹ và nhanh cho nước muối vào trong. Chất nhầy và gỉ mũi sẽ theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía dưới.
- Trấn an và quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia.
- Đối với trẻ lớn, rửa mũi ở tư thế ngồi. Đầu hơi cúi, dùng tay giữ đầu hoặc cằm bé. Bơm nước muối sinh lý vào từng bên mũi, nước tự động chảy ra ở mũi bên kia.
Những lưu ý khi rửa mũi cho trẻ tại nhà
- Vệ sinh kỹ dụng cụ rửa mũi cho trẻ. Rửa tay sạch trước khi tiến hành.
- Dùng dung dịch NaCl 0,9%.
- Nên thao tác cùng với nhịp thở trẻ.
- Không thực hiện khi trẻ đang lo sợ, chống cự.
- Nếu trẻ giãy giụa, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, dỗ dành trẻ và cố gắng làm đúng theo hướng dẫn để tránh việc bé bị hít sặc.
- Không nên rửa mũi khi trẻ đang no, tốt nhất là trước khi ăn.