Đời sống

Cách tránh lây nhiễm virus HPV gây ung thư cổ tử cung

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh nguy hiểm, có thể tước đoạt khả năng làm mẹ của phụ nữ và có tỷ lệ gây tử vong cao. Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Các chủng HPV 16 và HPV 18 là thủ phạm gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, còn lại do các chủng HPV nguy cơ cao khác. Ngoài ra, chủng HPV 6 và HPV 11 là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mụn cóc sinh dục.

"Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung, trong đó một nửa không qua khỏi. Tính trung bình mỗi ngày có 14 người mắc bệnh, trong đó bảy người tử vong. Hàng năm, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 700-800 ca bệnh này. Nó không triệu chứng có điển hình nhìn vào có thể biết được. Ngay cả giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung cũng không có biểu hiện rõ ràng", bác sĩ Thanh nói thêm.

Virus HPV lây nhiễm qua tiếp xúc sinh dục (kể cả quan hệ bằng tay, miệng); truyền qua đồ lót, găng phẫu thuật, kềm bấm sinh thiết... và từ mẹ sang con, gây ra bệnh đa bướu gai hô hấp.

cach-tranh-lay-nhiem-virus-hpv-gay-ung-thu-co-tu-cung

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.

Theo các bác sĩ, nhiễm virus HPV không đồng nghĩa bạn sẽ bị ung thư cổ tử cung bởi virus HPV có nhiều chủng khác nhau, trong đó 90% trường hợp cơ thể có thể làm sạch khi bị nhiễm loại virus này, chỉ có vài chủng HPV có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nếu đã nhiễm HPV thì nên theo dõi và phát hiện sớm tổn thương gây ra. Phát hiện sớm, bạn có thể điều trị áp lạnh, đốt điện, khoét chóp cổ tử cung. Còn phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn có thể phải cắt bỏ cổ tử cung, tử cung, thậm chí phối hợp với xạ trị, hóa trị.

Nhiễm virus HPV có thể gây tử vong, do tính chất và sự nguy hiểm của bệnh, bác sĩ tư vấn một số cách phòng tránh lây nhiễm virus này như sau:

- Thăm khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung để giảm nguy cơ mắc bệnh và phát hiện bệnh sớm.

- Duy trì chế độ ăn khoa học, đủ dưỡng chất.

- Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể thao thường xuyên, tăng sức đề kháng để loại bỏ HPV khỏi cơ thể.

- Thiết lập lối sống lành mạnh, sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ. Hạn chế số bạn tình và chung thủy với một người.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh cho biết, những cách trên chỉ là giải pháp thứ cấp. Biện pháp dự phòng chủ động tốt nhất là tiêm vắcxin phòng ngừa HPV, bởi vắcxin sẽ tạo kháng thể chống lại virus HPV. Độ tuổi tiêm vắcxin ngừa HPV khoảng 9-26 tuổi.

cach-tranh-lay-nhiem-virus-hpv-gay-ung-thu-co-tu-cung-1

Vắcxin ngừa HPV hỗ trợ phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư cơ quan sinh dục khác.

Cũng theo bác sĩ Thanh, đối với một loại vắcxin, khi được phép cho lưu hành thì đã phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, sàng lọc. Trong quá trình nghiên cứu, câu hỏi đầu tiên các chuyên gia, bác sĩ đặt ra là vắcxin này có an toàn hay không, có ảnh hưởng đến sức khỏe, sau đó mới xem nó có hiệu quả đến đâu. Vắcxin thường chỉ có tác dụng phụ tại chỗ như: đau nhẹ ở nơi tiêm, sốt nhẹ. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, đã có hơn 205 triệu liều vắcxin ngừa HPV được sử dụng.

Tại Việt Nam, từ khi cấp phép lưu hành từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 1,4 triệu liều vắc xin ngừa HPV được sử dụng. Khi muốn tìm hiểu thông tin y học, vắcxin thì nên tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và nguồn báo chí chính thống.

Thu Ngân

Bạn có thể tìm đến các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện phụ sản (Từ Dũ, Phụ sản Trung ương), Viện Pasteur… hoặc gọi đến đường dây nóng 1800 54 54 59 để được tư vấn chi tiết và hoàn toàn miễn phí về vắcxin ngừa HPV.

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ