Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết bệnh nhân quê Long An nhập viện trong tình trạng sốt, ho, nhiều giả mạc màu trắng ở họng. Kết quả xét nghiệm dương tính với khuẩn bạch hầu. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân vừa xuất viện và phải theo dõi các biến chứng.
Đây là ca bệnh bạch hầu đầu tiên điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM năm nay và cũng là trường hợp đầu tiên ở khu vực phía Nam.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da.
Triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau... nên dễ nhầm với cảm. Tuy nhiên trong 1-2 ngày sau bệnh nhân sẽ xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng, là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu. Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố. Một số bệnh nhân bị các nội độc này gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp bị biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch. Phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắcxin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc 2, 3, 4 tháng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Cách đây vài tháng, bé trai 14 tuổi và bé gái 5 tuổi ở Kon Tum tử vong do bệnh bạch hầu sau nhiều năm bệnh không xuất hiện ở địa phương này. Năm 2016 tại Bình Phước cũng xuất hiện một ổ dịch bạch hầu, 3 người tử vong. Nhiều năm nay nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh ít xuất hiện ở các tỉnh thành.