Trong tuần qua Hà Nội ghi nhận đến hơn 2.700 bệnh nhân sốt xuất huyết. Số ca mắc các tuần trước đó là 2.300, 1.500 và 1.200. Như vậy, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận hơn 11.750 ca sốt xuất huyết, 4 người tử vong. Các bệnh viện trên địa bàn rơi vào tình trạng quá tải, từ tuyến trung ương đến các bệnh viện của thành phố.
Một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đống Đa là bị sốt xuất huyết. Số giường thực kê của bệnh viện chỉ khoảng 330-350; trong khi có đến 210 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết từ tuyến dưới chuyển lên, từ tuyến trên (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chuyển xuống. Tuy nhiên, diện tích hẹp nên khả năng nhận bệnh nhân của bệnh viện có hạn.
|
Bệnh nhân Bệnh viện Đống Đa phải ngồi để truyền dịch vì hết giường nằm. Ảnh: Nam Phương.
|
Tại khoa Cấp cứu, từ tháng 5 đến nay có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng nhưng phải khám, sàng lọc cho 150 bệnh nhân trong khi trước đây chỉ 30-50 người bệnh. 10 giường bệnh của khoa dành hoàn toàn cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại khoa Khám bệnh, phòng khám cũng được kê thêm giường bệnh, giường gấp làm khu điều trị ban ngày cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dù tận dụng mọi khoảng trống, một số người vẫn phải ngồi ghế để truyền dịch.
Tình hình quá tải cũng tương tự tại khoa Truyền nhiễm - khu vực điều trị nội trú. Khoa có 50 giường, thực tế kê đến 80 giường và có 150 bệnh nhân sốt xuất huyết. Phòng khám cấp cứu của khoa bình thường chỉ kê 3 giường, nay cũng được đặt thêm một giường bệnh và 3 giường gấp. Toàn bộ hành lang, một số phòng bác sĩ cũng được tận dụng để kê thêm giường bệnh. Dù vậy, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép hai người một giường
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, cả khoa Truyền nhiễm, khoa nội 1 được dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết, một số phải xếp vào nằm ở khoa Nhi. Nếu số bệnh nhân tiếp tục tăng lên, bệnh viện sẽ huy động thêm số giường khoa nội 1 và 3.
|
Phòng khám cấp cứu, khoa Truyền nhiễm phải tận dụng cả giường gấp cho bệnh nhân nằm. Ảnh: Nam Phương.
|
“Có những bệnh nhân đi đến 4 bệnh viện mà không nơi nào nhận, được tuyến trên chuyển đến nên chúng tôi phải nhận. Vì thế, thực sự trong hoàn cảnh hiện nay rất mong người bệnh thông cảm nếu phải nằm ghép, nằm giường gấp”, bác sĩ Hiền nói.
Bệnh nhân vào viện được khám sàng lọc, trường hợp nào có dấu hiệu cảnh báo, có bệnh lý nền, sốt ngày thứ 3 thì được nhập viện theo dõi. Những trường hợp khác cho điều trị ngoại trú tại nhà hoặc điều trị ban ngày - sáng đến khám, truyền dịch xong về nhà. Mỗi ngày khoa khám cho 400-500 bệnh nhân, nhập viện khoảng 20-30%.
Tương tự Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị cho khoảng hơn 500 bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện dồn đủ các khoa phòng, lấy cả phòng của nhân viên y tế để kê thêm giường bệnh. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2-3 người một giường. Bệnh viện cũng triển khai thêm đơn vị điều trị sốt xuất huyết ban ngày để theo dõi những bệnh nhân nhẹ nhưng vẫn quá tải.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày khám 900-1.000 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết. Cả cơ sở 1 của bệnh viện được dành toàn bộ cho bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng vẫn không đủ. Bệnh viện đã phải mượn gần 400 giường bệnh của một số công ty thiết bị y tế để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Bệnh viện cũng huy động cả hội trường để kê thêm 20 giường điều trị bệnh nhân.