Bé gái sinh năm 2013 lớn lên với hai chân không đều nhau, chân cao chân thấp. Bé được sư cô đưa lên TP HCM thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh. Nay bé đã 4 tuổi mới phát hiện bệnh nên phải phẫu thuật chỉnh lại khớp để phát triển bình thường, không ảnh hưởng tương lai.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết trật khớp háng bẩm sinh nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến hậu quả lâu dài như dáng đi bất thường, vẹo cột sống. Ở bé gái, nguy cơ biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này.
Để cô bé mồ côi được phẫu thuật sớm, bệnh viện đã miễn phí toàn bộ chi phí điều trị. Bé Hậu được mổ cắt xương sửa trục, tạo hình ổ cối và bó bột chân đùi bàn chân cố định trong hai tháng. Sau khi tháo bột, cháu tập đi lại tự nhiên không cần thực hiện nắn khớp hay tập vật lý trị liệu. Cháu bé sẽ được mổ lấy vít cố định sau một năm.
|
Bác sĩ thăm khám cho bé trước khi xuất viện. Ảnh: P.T
|
Theo bác sĩ Lãm, trật khớp háng bẩm sinh là bệnh có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tuần đầu sau sinh. Một số dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý là chênh lệch chiều dài hai chân; nếp lằn mông, đùi ở chân bên trật ít hơn và cao hơn bên lành; bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân; tư thế gấp gối, khớp gối bên trật thấp hơn; hạn chế gấp và dạng khớp háng bên trật. Nếu trật khớp háng hai bên, trẻ có dáng đi khập khiễng. Trẻ dưới 6 tháng tuổi khi gấp và khép háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo tiếng kêu "lục cục". Ngoài ra nếu chụp khớp háng hoặc siêu âm khớp háng có thể giúp chẩn đoán.
“Nếu phát hiện bệnh kịp thời ngay sau sinh, điều trị cho bé đơn giản là duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối thấp trong khoảng hai tháng", bác sĩ Lãm nói. Phương pháp này bao gồm đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra, cõng hoặc địu trẻ, đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
Phương pháp này cũng áp dụng cho trẻ từ một đến 6 tháng tuổi, thông thường sau 3 đến 4 tuần khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường, tỷ lệ thành công khoảng 90-95%. Trong trường hợp cần can thiệp toàn diện, bệnh nhân có thể bó bột, thực hiện các bài tập vận động, sử dụng nẹp chỉnh hình. Khi điều trị bảo tồn thất bại cần phẫu thuật chỉnh hình sớm.
Hiện trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ thường không được phát hiện sớm. Đa số gia đình đưa con đi khám khi bé đã biết đi và có các dấu hiệu đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân còn lại... khiến điều trị khó khăn và khó thành công hoàn toàn. Khi bị bệnh này trẻ không cảm thấy đau, không quấy khóc nên bố mẹ cần để ý những khác biệt của trẻ.
Sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sản khoa nên so chân bé để kiểm tra, nếu nghi ngờ bị trật khớp háng bẩm sinh cần đưa đi siêu âm để tầm soát và điều trị kịp thời.