Đời sống

Bài học về lòng dũng cảm trước ung thư từ cố Đệ nhất Phu nhân Mỹ

Ngày 6/3/2016, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Nancy Reagan qua đời, để lại bài học về sự dũng cảm phi thường trước căn bệnh ung thư quái ác.

bai-hoc-ve-long-dung-cam-truoc-ung-thu-tu-co-de-nhat-phu-nhan-my

Cố Đệ nhất Phu nhân Mỹ Nancy Reagan. Ảnh: highlighthollywood.

Chia sẻ với Huffington Post, bác sĩ Cary A. Presant kể rằng năm 1987, Nancy được chẩn đoán ung thư vú trong một lần kiểm tra sức khỏe. Dù khối u còn khá nhỏ và chưa di căn, Đệ nhất Phu nhân quyết định cắt bỏ toàn bộ vú.

Ngày đó, y học cho phép phụ nữ ung thư vú lựa chọn giữa cắt bỏ hoàn toàn vú và cắt bỏ một phần rồi tiếp tục xạ trị 8 tuần. Vì lý do thẩm mỹ, hầu hết chị em nghiêng về phương án thứ hai. Nếu so sánh, nguy cơ tái phát và tỷ lệ ổn định trong vòng 5 năm của 2 cách làm trên là như nhau. 

Tâm sự với bác sĩ Cary, Nancy thừa nhận bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ quan niệm "phụ nữ thông minh chỉ cắt một phần vú" do những nhà hoạt động vì sức khỏe phái đẹp khởi xướng. Thế nhưng, bà rất lo lắng. Với tư cách Đệ nhất Phu nhân, Nancy có trách nhiệm giúp đỡ Tổng thống và bà cũng tin rằng Ronald cần mình bên cạnh. Nếu xạ trị, bà sẽ vắng mặt liên tiếp 8-9 tuần và không thể thực hiện những chuyến công du hay xuất hiện trước công chúng. Bên cạnh đó, bệnh nhân xạ trị thường bị mệt mỏi, kích ứng da nên cần theo dõi thêm. Bác sĩ cũng không chắc chắn liệu hiệu quả của phương pháp cắt bỏ hoàn toàn vú và cắt bỏ một phần có còn ngang bằng sau 15-20 năm.

Không chấp nhận để vai trò một người vợ, một Đệ nhất Phu nhân bị đe dọa, Nancy quyết định cắt bỏ hoàn toàn vú. Ngay lập tức, những nhà hoạt động vì sức khỏe phụ nữ nổi giận, tỏ vẻ thất vọng. Không mấy quan tâm, Nancy tin vào bản thân, bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích. Kết quả, căn bệnh ung thư bị đẩy lùi. Bà quay lại với công việc chỉ vài ngày sau ca phẫu thuật và sống thêm 29 năm.

bai-hoc-ve-long-dung-cam-truoc-ung-thu-tu-co-de-nhat-phu-nhan-my-1

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bên vợ. Ảnh: ABC.

Nhớ lại vị Đệ nhất Phu nhân năm xưa, bác sĩ Cary cho rằng Nancy chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình, dù chỉ trong một giây. Nếu đổi lại - chỉ cắt bỏ một phần vú rồi xạ trị - hẳn Nancy sẽ lo lắng và sợ hãi suốt phần đời còn lại bởi ai biết chuyện gì có thể xảy ra với Ronald khi bà vắng mặt. Đã quyết định, Nancy không còn chút băn khoăn.

Ngày nay, câu chuyện về lòng dũng cảm của Nancy Reagan vẫn còn nguyên giá trị bởi không phải ai cũng can đảm như bà. Rất nhiều bệnh nhân vẫn xấu hổ và sợ hãi, không dám nói ra mong muốn thực sự. Rốt cuộc, mỗi người đều cần dũng khí để nghe theo chính mình. "Hãy ghi nhớ bài học Nancy đã chỉ cho chúng ta", bác sĩ Cary nói. "Hãy mạnh mẽ đối mặt với căn bệnh tai quái này. Hãy tìm hiểu, cởi mở, thẳng thắn với bác sĩ và trở thành người sống sót". 

Lời khuyên của bác sĩ Cary cho bệnh nhân ung thư:

- Trước khi quyết định về phương pháp điều trị ung thư, hãy suy nghĩ thật kỹ về hiệu quả và tác dụng phụ.

- Luôn luôn hỏi bác sĩ về mọi lợi ích, rủi ro, tác dụng lâu dài, thời gian điều trị và phục hồi của phương pháp khuyến nghị cũng như các phương pháp thay thế có thể.

- Tìm chọn bác sĩ khiến bạn yên lòng vì chăm sóc hỗ trợ và liệu pháp phục hồi chức năng ảnh hưởng tới khả năng phục hồi.

- Chia sẻ với bác sĩ về mọi băn khoăn, lo sợ và tác động của phương pháp điều trị đến các mục tiêu, kế hoạch trong cuộc sống. Đừng bỏ qua nếu bác sĩ không lắng nghe hoặc không thấu hiểu những điều quan trọng với bạn.

- Chuẩn bị kế hoạch dự phòng nếu không thống nhất được phương pháp điều trị hoặc nếu cảm thấy bác sĩ không chia sẻ đủ về thông tin cần thiết.

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ