Ngày 5/11/1960, trên con tàu Ob, vị bác sĩ trẻ tuổi Leonid Ivanovich Rogozov rời cảng Leningrad (Liên Xô cũ) tới Nam Cực cùng 12 nhà thám hiểm. Chấp nhận cắt ngang sự nghiệp hứa hẹn để lên đường phiêu lưu, Rogozov không biết rằng mình sẽ tiến hành một ca mổ lịch sử khiến cả thế giới nể phục.
Theo BMJ, sau khi cập bến Nam Cực vài tuần, Rogozov bắt đầu đổ bệnh. Bị sốt cao, nôn mửa đi kèm những cơn đau dữ dội ở góc dưới bên phải bụng, vị bác sĩ biết mình đã viêm ruột thừa. "Tôi đau chết đi được", bác sĩ khi ấy 27 tuổi viết trong nhật ký. "Một cơn bão tuyết đang tàn phá linh hồn tôi".
|
Bác sĩ Rogozov. Ảnh: Vladislav Rogozov.
|
Trong điều kiện bình thường, viêm ruột thừa không đe dọa tính mạng. Thế nhưng, thời điểm ấy, Rogozov đang ở giữa Nam Cực xa xôi, xung quanh không có gì ngoài hàng nghìn dặm vuông toàn tuyết và băng. Không ai có thể hỗ trợ bởi anh là bác sĩ duy nhất đoàn. Có một trạm nghiên cứu gần nơi Rogozov đang trú nhưng thời tiết quá xấu không cho phép con người di chuyển. Hơn thế, còn hơn một năm nữa mới đến thời hạn quay lại Nga.
Lâm vào tình thế hiểm nghèo, Rogozov ban đầu định bỏ cuộc. "Tôi im lặng, thậm chí mỉm cười. Tại sao phải sợ hãi chứ các bạn của tôi?", anh giãi bày. Thế nhưng, cơn đau ngày càng trầm trọng buộc Rogozov thực hiện ý tưởng duy nhất có thể nghĩ tới: tự phẫu thuật cho chính mình. "Điều đó gần như bất khả thi. Nhưng tôi không thể khoanh tay và đầu hàng", vị bác sĩ trải lòng.
Đêm 30/4/1961, Rogozov lên kế hoạch tiến hành ca phẫu thuật. Nhờ các thành viên của đoàn thám hiểm, anh bố trí phòng mổ, bỏ mọi đồ đạc ra ngoài trừ giường, 2 cái bàn, một chiếc đèn. Bác sĩ trẻ hướng dẫn mọi người cách chuyển dụng cụ, đặt đèn, giữ gương để anh nhìn thấy mình đang làm gì. Bên cạnh đó, Rogozov cũng chỉ họ cách tiêm thuốc và hô hấp nhân tạo phòng trường hợp anh mất ý thức. Cuối cùng, Rogozov đeo găng tay cho các cộng sự.
2h sáng 1/5/1961, ca mổ lịch sử bắt đầu. Rogozov tự tiêm thuốc vào vùng bụng để gây mê cục bộ. Trong nhật ký, anh mô tả: "Tôi cũng sợ chứ. Nhưng khi cầm mũi kim novocaine và tự tiêm, bằng cách nào đó, tôi chuyển sang chế độ làm việc và không để ý bất cứ điều gì". Sau 15 phút, Rogozov rạch một đường 10-12 cm trên bụng mình ở vị trí ruột thừa.
|
Bác sĩ Rogozov tự mổ ruột thừa. Ảnh: Vladislav Rogozov.
|
Miêu tả lại trong nhật ký, bác sĩ cố giữ vẻ bình tĩnh song vẫn chảy mồ hôi đầm đìa khiến người khác phải lau hộ. Cứ 4-5 phút, anh lại nghỉ 20-25 giây. Tuy có gương, Rogozov vẫn chủ yếu xử lý bằng cảm giác. 45 phút trôi qua, anh kiệt sức và chóng mặt nên tạm dừng phẫu thuật. Cảnh tượng của Rogozov lúc này khiến toàn bộ thành viên đoàn có mặt "cực kỳ khó chịu" và "chỉ muốn chạy trốn".
Nghỉ ngơi ít phút, Rogozov tiếp tục. Kết quả, sau một giờ 45 phút tự mổ, anh cắt thành công "đoạn ruột đáng nguyền rủa" rồi khâu bụng. Trước khi uống thuốc ngủ, Rogozov hướng dẫn cộng sự làm vệ sinh giúp mình và vứt bỏ dụng cụ phẫu thuật. "Tôi cứ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc thật tồi tệ", chàng bác sĩ kể. "Rồi tôi nhận ra, về cơ bản, mình đã được cứu sống".
Uống thuốc 4 ngày, sức khỏe Rogozov dần hồi phục. Ngày thứ năm, thân nhiệt anh trở về bình thường rồi sau đó một tuần tháo chỉ vết mổ. Trong vòng 2 tuần, người thầy thuốc 27 tuổi quay lại nhiệm vụ ở trạm nghiên cứu.
|
Hơn một năm sau ca tự mổ, bác sĩ Rogosov trở về nhà. Ảnh: Vladislav Rogozov.
|
Hơn một năm sau ca mổ lịch sử, đội ngũ chuyên gia Liên Xô rời Nam Cực. Ngày 29/5/1962, họ cập bến cảng Leningrad. Không chờ đợi, Rogozov lập tức làm việc. Cho tới cuối đời, anh công tác và giảng dạy tại khoa Phẫu thuật Học viện Y khoa Leningrad.
Được coi là trường hợp đầu tiên tự phẫu thuật thành công ngoài môi trường khắc nghiệt, Rogozov trở thành biểu tượng về quyết tâm và ý chí sống còn. Đặc biệt, anh kiên quyết từ chối mọi giải thưởng tôn vinh với lý do: "Đó chỉ là điều bình thường như bao điều khác".
Ngày 21/9/2000, bác sĩ Rogozov qua đời ở tuổi 66.