Bác sĩ giải phẫu ung thư Yiannis Spiliotis phát biểu về tương lai cuộc chiến chống ung thư tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về Lãnh đạo và Đổi mới trong Y tế diễn ra tuần trước tại Athens (Hy Lạp).
Tốt nghiệp Đại học Y Patra, bác sĩ Spiliotis từng nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Ung thư thuộc Đại học Montepllier, Pháp. Hiện ông công tác tại Trung tâm Y tế Thessaloniki ‘Diavalkaniko’ và Trung tâm Y tế Athens.
Bác sĩ Spiliotis cho biết 25-30% trường hợp ung thư trên nền tảng di truyền. Nhờ công cuộc giải mã gene người từ những năm 2000, nhân loại giờ đây có thể chẩn đoán và can thiệp sớm cho những đối tượng nguy cơ để kịp thời ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Một ví dụ nổi tiếng được bác sĩ Spiliotis đưa ra là nữ diễn viên Angelina Jolie. Do mang gene gây ung thư vú, cô đã cắt bỏ cả hai bên ngực. Tương tự Jolie, người có thân nhân bị ung thư tuyến giáp có thể xem xét phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp trước khi bệnh phát tác.
Ngoài yếu tố di truyền, lối sống cùng môi trường cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư của con người. Theo bác sĩ Spiliotis, người thức dậy trước 6h sáng dễ gặp vấn đề sức khỏe bởi đây là lúc não bài tiết hormone kiểm soát căng thẳng, mà căng thẳng lại liên quan đến bệnh ung thư.
Một ví dụ khác liên quan đến thói quen nhuộm tóc. Bác sĩ Spiliotis cho biết nhuộm tóc nhiều hơn chín lần trong một năm có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư máu.
Tất nhiên, hai ví dụ trên không có nghĩa là bất cứ ai nhuộm tóc hoặc dậy quá sớm cũng bị ung thư mà chỉ cho thấy cần rất nhiều yếu tố để phòng chống ung thư.
"Lối sống, thói quen tập thể dục, chế độ dinh dưỡng đều đóng vai trò quan trọng. Bạn phải cẩn thận với nhiều thứ", bác sĩ Spiliotis khuyến cáo.
Một trong những câu hỏi tuyệt vọng mà bệnh nhân ung thư hay đặt ra là: "Tại sao lại là tôi". Tuy nhiên, theo Spiliotis, tương lai của người bị ung thư không còn u ám như trước.
"Ung thư đang dần bị đánh bại. Hơn 10 năm nữa, nó sẽ trở thành bệnh mạn tính như những gì đã diễn ra với bệnh lao và bệnh tiểu đường", ông nói trong bài phát biểu chính của hội nghị.
Bên cạnh đó, thời gian sống của bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Những năm 1970, họ chỉ trụ được khoảng sáu tháng đến một năm kể từ ngày được chẩn đoán Đến năm 2010, một số bệnh nhân sống thêm 15-16 năm.
Nhận định của bác sĩ Spiliotis tương đồng với tiến sĩ Lisa Coussens thuộc Viện Phát triển và Sinh học Ung thư. Tháng 4/2018, tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ, bà Coussens phát biểu rằng tìm cách chữa khỏi ung thư không phải mục tiêu thực tế. Thay vào đó, y học nên hướng đến kiểm soát ung thư như bệnh mạn tính tương tự tiểu đường.
Trên thực tế, từ năm 2016, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra ý tưởng nhìn nhận một số loại ung thư như bệnh mạn tính. "Ung thư không chỉ xảy ra một lần. Dù được điều trị, nhiều khi nó vẫn không biến mất. Ung thư có thể là một bệnh mạn tính, giống tiểu đường hoặc bệnh tim", trang web cơ quan này viết.