Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết nhiều bệnh viện tư ra đời thu hút 48 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ. Theo bà Yến, việc y bác sĩ xin nghỉ việc để chuyển công tác đến các bệnh viện tư có chế độ đãi ngộ tốt hơn là quyền riêng. Tuy nhiên thực tế số người xin nghỉ việc ồ ạt khiến ngành y tế rất đau lòng.
Bà Yến nói, y tế tư nhân giúp cho ngành y rất nhiều trong giảm quá tải, đa dạng hóa dịch vụ ở bệnh viện công, có lợi cho người dân. Đây là điều không thể phủ nhận. "Tuy nhiên đau lòng là bác sĩ giỏi sang bệnh viện tư trong tình trạng bệnh viện công đang quá tải. Người nghèo mất cơ hội được điều trị từ các bác sĩ giỏi ở viện công", bà Yến nói thêm.
|
Một ca điều trị bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
|
Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 bác sĩ, tỷ lệ giường bệnh là 67 trên 10.000 dân. Bên cạnh hệ thống y tế công lập thì hiện có 7 bệnh viện tư nhân, 5 bệnh viện thuộc bộ ngành và 20 phòng khám đa khoa, 600 phòng mạch tư. Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết thành phố đang xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện vì không chỉ phục vụ cho người dân Đà Nẵng mà còn điều trị cho người dân miền Trung - Tây Nguyên.
Trao đổi với VnExpress.net về tình trạng bác sĩ "nhảy việc" từ công sang tư, bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, nói: "Thu nhập ở bệnh viện tư cao gấp nhiều lần, có bác sĩ được trả lương 100 triệu đồng mỗi tháng".
Bệnh viện Phụ sản - Nhi có 3 bác sĩ đã nghỉ việc để sang một bệnh viện tư sắp khai trương. Trong đó có một bác sĩ trưởng Khoa Ngoại nhi, một bác sĩ trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh. Hai bác sĩ có trình độ thạc sĩ, một bác sĩ trình độ tiến sĩ. Lãnh đạo bệnh viện đã động viên và "giữ chân" được 2 bác sĩ. Bác sĩ Sơn nhận định, bệnh viện tư muốn thu hút y bác sĩ có tên tuổi, có kinh nghiệm để đủ hồ sơ trình Bộ Y tế cấp phép hoạt động.
Tình trạng cán bộ, nhân viên "nhảy việc" ngoài Phụ sản - Nhi còn có các bệnh viện C, Đa khoa Đà Nẵng, Ung bướu.
Bác sĩ Sơn cho biết, việc nhân viên y tế nhận được những lời mời chào "nhảy việc" đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các bệnh viện. Người được mời thì tư tưởng xao động vì mức thu nhập quá hấp dẫn, trong khi đơn vị quản lý bức xúc vì "nuôi người thành tài thì nghỉ việc". Mới đây, lãnh đạo một bệnh viện tư đến tiếp xúc với lãnh đạo bệnh viện công để xin hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật khi đi vào hoạt động. Lãnh đạo các bệnh viện công đã lên tiếng phản đối về việc lôi kéo nhân lực.
|
Một ca bệnh nặng được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa kịp thời nhờ bỏ qua thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
"Các bác sĩ làm việc ở đâu cũng là phục vụ nhân dân. Nhưng bệnh viện công lâu nay nuôi họ ăn học, cầm tay chỉ việc, giờ bắt đầu sử dụng được thì họ lại đi, đó là điều đau lòng", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Năm 2017, Bệnh viện Phụ sản - Nhi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Bác sĩ Sơn hy vọng cơ chế này sẽ tăng thêm thu nhập, giúp đội ngũ y bác sĩ ổn định kinh tế và yên tâm công tác. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng để tạo tính kế thừa.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận việc dịch chuyển nhân lực đến những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn là một tất yếu. Bác sĩ có năng lực tìm nơi làm việc thu nhập tốt hơn không có gì là xấu.
"Thành phố trong thời gian tới cần có cơ chế hỗ trợ cả về mặt vật chất cũng như cơ hội làm việc theo đúng sở trường, cơ hội thăng tiến để thu hút và giữ chân được đội ngũ y bác sĩ giỏi", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ.
Để giảm tải cho các bệnh viện, Đà Nẵng đang xây dựng thêm Trung tâm tim mạch quy mô 250 giường (hoạt động cuối năm 2017). Quý 4 khởi công xây dựng giai đoạn 2 Bệnh viện Phụ sản – Nhi với 750 giường. Chuẩn bị thành lập trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao dự kiến 500 giường tại Bệnh viện Ung bướu... |
Nguyễn Đông