Nội tạng động vật bao gồm tim, gan, cật, lòng, não... Ở các nước phương Tây, người dân rất ít khi ăn nội tạng động vật. Tại Việt Nam, nội tạng động vật lại là món ăn khoái khẩu, được chế biến thành các món xào, luộc, chiên, nướng, ăn hàng ngày hoặc trên bàn nhậu.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nội tạng động vật rất giàu vitamin và dinh dưỡng. Gan, thận nhiều vitamin A, sắt, kẽm, có tác dụng bổ mắt, tốt cho tim mạch và giảm các bệnh gây viêm. Óc động vật chứa axit béo omega 3 bảo vệ não người và tủy sống. Tim và lưỡi đặc biệt có lợi cho những người hồi phục sau khi ốm hoặc phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, nội tạng động vật cũng nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với thịt, thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.
"Chưa kể nhiều cơ sở chế biến nội tạng động vật không hợp vệ sinh, nhiễm rất nhiều loại giun sán, vi khuẩn, virus nguy hại cho con người", bác sĩ Hải nói. Người ăn phải nội tạng động vật kém chất lượng, bị ôi thiu, biến đổi màu rất dễ bị nhiễm giun sán. Một số nội tạng như ruột, dạ dày, tá tràng... của động vật được nuôi bằng nguồn nước bẩn còn chứa vi khuẩn E.coli gây bệnh tả, tiêu chảy, thương hàn.
“Tình trạng sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa lòng heo trắng sáng và không còn mùi hôi thối, làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn gây bệnh”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
|
Nội tạng động vật chứa lượng lớn chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt, thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch.
|
Chung quan điểm, tiến sĩ dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan ví dụ, người Việt thích ăn tiết canh được chế biến từ máu động vật dễ dẫn đến nhiễm liên cầu khuẩn. Ở tình trạng nhẹ, bệnh nhân đau bụng dữ dội, bị viêm ruột. Nặng hơn, các liên cầu khuẩn lan rộng khắp cơ thể gây hoại tử tứ chi, tàn phá não và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cho rằng “ăn gì bổ nấy” là không có cơ sở khoa học. "Người bị suy thận, thận hư nhiễm mỡ, bị rối loạn chuyển hóa lipid, cholesterol trong máu cao nên cần ăn giảm chất đạm, cho nên ăn nhiều thận động vật càng làm cho bệnh nặng thêm", bà Lan nói. Quan niệm "ăn tim bổ tim" cũng vậy. Bệnh nhân tim mạch thường tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao, rất nguy hiểm tính mạng.
Hơn nữa, “ăn nội tạng có thể tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác”, chuyên gia cho biết. Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người thiếu máu, thiếu sắt, thanh thiếu niên nên ăn các loại phủ tạng với hàm lượng phù hợp theo chỉ dẫn. Người cao tuổi, thừa cân béo phì nên hạn chế ăn nội tạng. Đặc biệt, người mắc các bệnh tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, thận hư nhiễm mỡ, suy tim tuyệt đối không nên ăn các loại phủ tạng.
Lưu ý khi ăn nội tạng động vật
- Chỉ mua nội tạng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ.
- Khi bảo quản, để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ và cao ráo, không để chung với thực phẩm sống, tránh tình trạng bị lây nhiễm từ các nguồn thực phẩm bẩn khác.
- Lượng sử dụng nội tạng động vật phù hợp với mỗi người: Người trưởng thành chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần (khoảng 50-70 g một lần), trẻ em ăn 2 lần một tuần (khoảng 30-50 g mỗi lần).
- Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.