Đã gần 2 tháng sau tai nạn khiến bé Kem bỏng toàn thân, anh Mai Văn Hùng, bố của bé, vẫn còn ám ảnh. Người đàn ông cho biết hôm ấy là chủ nhật 11/6, gia đình tranh thủ đưa bé Kem đi nghỉ hè trước khi mẹ sinh em bé. Khi cả nhà cùng tản bộ ở khu du lịch Sầm Sơn thì một nữ nhân viên phục vụ ở nhà hàng đang nướng mực ở vỉa hè gần đó vô tình vẩy chai cồn đang cháy vào người bé Kem.
"Cồn văng vào chiếc đầm ren của cháu bốc cháy ngùn ngụt. Tôi vội cởi áo dập lửa và hô hoán mọi người đến giúp. Chưa đầy 15 giây lửa đã tắt nhưng không ngờ cháu bị bỏng nặng đến vậy", người cha cũng bị bỏng kể.
|
Bé Kem trước và sau khi bị tai nạn. Ảnh: NS.
|
Bé Kem được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn rồi chuyển lên Viện Nhi tỉnh Thanh Hóa. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng đến 71% diện tích cơ thể, nhiều nơi bỏng sâu độ 4, tiên lượng rất xấu, tất cả những gì có thể làm là chống sốc, chống nhiễm trùng và theo dõi sát.
Thể trạng bệnh nhi ngày càng yếu đi, các bác sĩ ở Thanh Hóa định chuyển lên Hà Nội nhưng lo bé không thể qua khỏi vì mạch quá yếu. Sau khi bàn tính, tất cả thống nhất phương án cuối cùng là mời các bác sĩ Viện Bỏng Trung ương xuống Thanh Hóa trợ giúp. Các bác sĩ Viện Bỏng Trung ương hội chẩn cũng nhận định cháu bé bị bỏng quá nặng, bỏng cồn rất độc nên khó cứu chữa, gia đình cần chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất.
Nhìn cô con gái đầu lòng thông minh, ngoan ngoãn nay phải nằm bất động, 2 mắt sưng to như quả ổi, toàn thân băng bó, môi và mũi biến dạng, vợ chồng anh Hùng không cầm được nước mắt. Suốt 72 giờ bố mẹ thay nhau giờ túc trực bên con không dám rời nửa bước vì sợ chuyện chẳng lành. Đến cuối ngày thứ ba, cả gia đình và bác sĩ đều ngạc nhiên khi thấy sức khỏe bé Kem tiến triển tích cực hơn, các dấu hiệu sinh tồn dần trở lại. Chiều hôm ấy bệnh nhi cắt được vận mạch, các bác sĩ Viện Bỏng nhận định trường hợp này "rất may mắn" và quyết định chuyển bé lên Hà Nội để có điều kiện chữa trị tốt hơn.
Bé Kem đang được điều trị tại Khoa Trẻ em, Viện Bỏng Trung ương, Hà Nội. Bệnh nhi đã trải qua 5 lần phẫu thuật ghép da. Lần đầu tiên, các bác sĩ cắt lọc da đầu để ghép vào tay phải của bệnh nhi, tiếp đó là ca mổ dùng da chân ghép vào mặt và đùi; rồi lấy da đầu ghép tiếp cho tay phải. Lần thứ tư, các bác sĩ dùng một phần da tay trái của bé để ghép vào ngực. Ca phẫu thuật phức tạp nhất gần đây là ghép da bụng và đùi.
Sau mỗi đợt điều trị ghép da, bé Kem đau rát, ngứa ngáy khó chịu nhưng không khóc nhiều. Khi cơn đau dịu đi, em luôn miệng hỏi thăm mẹ và em bé mới sinh ở nhà có khỏe không. Đưa tay xoa lên vết bỏng đang ngứa vì lên da non, cô bé nhoẻn miệng cười bảo: "Con chỉ muốn nhanh khỏi bệnh để về nhà bế em cho mẹ".
Bác sĩ điều trị cho biết bé Kem bị bỏng gần hết cơ thể nên chỉ có thể cắt lọc từng miếng da rất nhỏ để ghép vào những nơi bỏng nặng và cần tính thẩm mỹ. Nhiều phần da bị cháy vẫn chưa có da thay thế, phải chờ thêm thời gian để các mảng da nhỏ nơi khác tái sinh mới bóc tách được. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định hơn, song vẫn phải băng bó kín những vùng da chưa lành để tránh nhiễm trùng. Cô bé được các điều dưỡng tập đi và trị liệu phục hồi chức năng. Dự kiến cuối tuần này bé được chuyển sang khoa Phục hồi chức năng để tập vận động cho tay chân linh hoạt hơn.