Đời sống

3 dịch bệnh đang hoành hành tại Việt Nam

Chiều 9/10, Bộ Y tế ghi nhận tình trạng dịch chồng dịch tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam.  Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 9 tháng đầu năm cả nước có gần 62.000 ca tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. 6 người tử vong đều ở miền Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, số bệnh nhân giảm 19%. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố số ca tích lũy cao và tăng nhanh trong các tuần gần đây. Các địa phương có nhiều bệnh nhân là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Số ca bệnh chủ yếu ở miền Nam (78%), miền Bắc và miền Trung đều hơn 10%, Tây Nguyên ít có ca bệnh nhất chỉ chưa đầy 2%.

Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, thường gặp ở nhóm 1-5 tuổi, bé đi mẫu giáo... Các tuýp virus chủ yếu là EV71, EV, Coxsackie A10 và Coxsackie A6. Trong đó EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin dự phòng. Bệnh vào mùa cao điểm là tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân và môi trường còn kém.

Trẻ năm ghép điều trị chân tay miệng tại Bệnh viện nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương.

Trẻ bệnh tay chân miệng nằm ghép giường tại Bệnh viện nhi đồng 1, được cố định vào giường để tránh kích thích.

Ngoài chân tay miệng, dịch sốt xuất huyết cũng đang lưu hành ở hầu hết địa phương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. So với cùng kỳ 2017, số bệnh nhân giảm hơn 50%. Có 11 bệnh nhân tử vong đều ở các tỉnh phía nam.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh sốt xuất huyết năm nay có 4 tuýp virus gây bệnh. Bộ Y tế nhận định dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài đến hết tháng 11. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin chưa được sử dụng tại Việt Nam.

Ở các tỉnh miền bắc, bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay có gần 3.000 ca sởi tại 51 tỉnh thành phố, một tử vong tại Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số bệnh nhân sởi đang tăng 10 lần.  Bộ Y tế nhận định, hầu hết bệnh nhân sởi đều không tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng.

Bộ Y tế khuyến cáo cần chủ động tiêm văcxin sởi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống để ngăn ngừa chân tay miệng. Ngủ màn, diệt loăng quăng, tránh muỗi đốt để phòng sốt xuất huyết. Khi có bệnh, cần đến bệnh viện ngay để được điều trị và tư vấn từ bác sĩ.

 

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Đời sống

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ