Đời sống
25 năm 1.700 ca ghép thận
Tại hội nghị khoa học khối Thận Niệu tại Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 1/8, giáo sư Trần Ngọc Sinh, Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết sau 25 năm kể từ bệnh nhân đầu tiên được ghép thận, cả nước đã thực hiện 1.700 ca ghép thận với nhiều kỹ thuật ngày càng tiến bộ. Nhiều bệnh nhân được ghép thời kỳ đầu giờ vẫn sống khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con bình thường.
Theo giáo sư Sinh, trung bình mỗi năm có thêm 8.000 bệnh nhân bị suy thận mới cần điều trị thay thế thận. Hiện có trên 12.000 bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu liên tục vì chưa có nguồn tạng để ghép. Nếu chỉ nhận thận ghép từ người cho sống thì không thể đáp ứng được với nhu cầu ghép tạng như hiện nay, nên cần phải có thêm nguồn hiến tặng tạng từ người chết não hay tim ngừng đập.
|
Bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy thận ghép. Ảnh: C.R
|
Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng và kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Ngoài ghép thận, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có thể điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc.
Rối loạn chức năng mảnh ghép là vấn đề phổ biến sau khi ghép thận. Thải ghép cần được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp. Vấn đề thường gặp khác là thiếu máu sau ghép, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh, khả năng hoạt động thể lực, khó thở, tim đập nhanh. Bệnh nhân cũng dễ bị nhiễm virus, vi trùng hơn.
Đời sống của thận ghép trung bình sau một năm đạt 85-95%, sau 5 năm đạt 70-85% và sau 10 năm là 60-65%. Mục tiêu điều trị ghép thận là hạn chế thải ghép và mất mảnh ghép, bảo vệ tính mạng bệnh nhân, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống. Nếu thận ghép mất hoàn toàn chức năng, bệnh nhân vẫn còn sống tiếp với thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc, vẫn có cơ hội ghép thận lại lần 2.
Vnexpress.net