12 quận huyện gắn mác đỏ: Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.
5 quận huyện gắn mác da cam: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.
Các quận huyện gắn mác vàng: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa.
|
Hà Nội tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus… Trong đó 12 quận huyện đang ở mức cao nhất là báo động đỏ như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân..., tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố; 5 nơi ở mức da cam và số còn lại ở mức vàng.
Chiều muộn 17/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến họp với Sở Y tế Hà Nội về phòng chống sốt xuất huyết. Đây là cuộc họp thứ hai của lãnh đạo Bộ với ngành y tế thủ đô trong chưa đầy một tuần qua.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, sau khi thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch, hiện số ca sốt xuất huyết của Hà Nội có chững lại dù vẫn còn cao. Riêng tuần rồi, thành phố ghi nhận 3.440 ca bệnh so tuần trước đó 3.447 ca. Đánh giá ban đầu, mật độ muỗi có giảm sau khi phun thuốc diệt trên diện rộng. Hơn 1.300 ổ dịch đã được khống chế, 80% ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, không có lan rộng từ một ổ dịch. Dù vậy với thời tiết mưa nóng thất thường như hiện nay thì vẫn chưa thể dự báo trước được điều gì. Đội xung kích một số nơi làm chưa tốt, vẫn có nơi sử dụng người già. Hà Nội vẫn cố gắng tập trung vào 2 giải pháp chính là diệt bọ gậy, phun hóa chất.
“Chúng tôi hy vọng đánh mạnh trong 2 tuần để giảm số ca mắc. Dù vậy, dịch chắc chắn còn tiếp tục đến cuối năm thì mới có thể khống chế hoàn toàn”, ông Hạnh nói.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nhiều trường hợp nhập viện hiện nay là không cần thiết. Ảnh: Nam Phương.
|
Qua giám sát ổ bộ gậy tại một số nơi, ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo các ổ bọ gậy năm nay khá đặc biệt, ví dụ xuất hiện ở khay chứa nước sau tủ lạnh chứ khó thấy ở những vị trí bình thường.
“Muỗi khôn ngoan hơn, có nhiều ổ nước chúng ta không tìm thấy được, giống như bên Singapore muỗi tìm những nơi con người không nhìn thấy để đẻ trứng”, ông Phong nói.
Theo tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương, hiện người dân chưa quan tâm biện pháp phòng bệnh cá nhân, gia đình như bôi kem xua muỗi, hương xua muỗi, bình xịt, vợt điện… Các biện pháp chống dịch tại cộng đồng đã thực hiện, nhưng nếu mỗi cá nhân không có ý thức áp dụng, không có biện pháp gì phòng bệnh thì không thể giải quyết được.
Đồng tình ý kiến này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vấn đề truyền thông để người dân biết các biện pháp phòng dịch cá nhân; không để bệnh nhân nằm ghép, tránh lây chéo...
“Đã truyền dịch thì phải nằm viện. Bệnh nhân vào viện ngồi vắt vẻo hành lang nói chuyện trong khi tay đang truyền dịch chứng tỏ bệnh nhẹ. Nếu bệnh nhân nào cũng cho vào viện sẽ gây quá tải không cần thiết. Bệnh viện chỉ tập trung vào các ca nặng”, Bộ trưởng nói.
Lãnh đạo y tế Hà Nội cũng thừa nhận thực tế này. Bệnh nhân vào viện được phân các thể đỏ, vàng, xanh nhưng thấy chủ yếu là màu xanh. Tại Bệnh viện Đống Đa, qua kiểm tra có đến 40% bệnh nhân không cần nằm viện.
Theo Bộ trưởng Tiến, so với miền Trung và miền Nam, tỷ lệ bệnh nhân nặng của Hà Nội lại ít nhất. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có vài ca nặng thì Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 ở TP HCM vài chục bệnh nhân nặng. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tỷ lệ ca nặng của Hà Nội chỉ 0,06% trong khi miền trung 0,3% và miền nam 2,8%.
Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội 6 đội phòng chống dịch, đánh giá kết quả diệt bọ gậy. Hà Nội hiện có 25 máy phun công suất lớn, 10 máy phun mù nóng, vừa nhận thêm 180 máy phun đeo vai.