Căn nhà nhỏ trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) ngày 3/7 bao trùm một không khí tĩnh lặng. Bé Nhi mất chỉ mới có vài ngày, nhưng giác mạc của bé vẫn sống trong đôi mắt của hai người xa lạ khác.
Nhắc về cô con gái Vân Nhi, chị Nguyễn Thị Hải Vân 51 tuổi không giấu được niềm tự hào. Chị kể, lúc 2 tuổi, Vân Nhi bị ho, khó thở. Chị nghĩ con bị viêm họng thông thường nên đưa đi khí dung, uống thuốc. Bệnh không hết, bé sau đó được chẩn đoán bị bệnh u nhú dây thanh quản (Papylome). Theo bác sĩ, bệnh này thế giới chưa chữa được. Chị Vân không ngờ số phận của con lại vướng vào căn bệnh nan y không lối thoát.
|
Bé Vân Nhi và mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp.
|
Bé được mở thanh quản, đặt ống thở. Từ đó, cuộc sống của Vân Nhi gắn liền với những lần ra vào viện liên tục. Chị Vân không thể nhớ được đã bao nhiêu lần con phải vào viện để mổ cắt u nhú, chỉ biết rằng “nhiều lắm rồi”. Trong năm đầu tiên phát hiện bệnh, tháng nào Vân Nhi cũng phải vào viện. Lớn hơn một chút, 4-5 tuổi thì cách 2-3 tháng vào viện, 12 tuổi lại cách 3-4 tháng đi mổ một lần.
“Con gần như phải mổ liên tục, cứ u nhú mọc lên là phải cắt nếu không sẽ chèn vào đường thở. Bé chịu đựng kinh khủng khiếp”, chị Vân xúc động kể lại. 12 năm Vân Nhi sống trên cõi đời thì có lẽ đến hơn một nửa thời gian là nằm viện. Chị bảo hai mẹ con chị đã đi gần hết các bệnh viện của Hà Nội, kể cả bệnh viện tư, ai mách chỗ nào chị cũng đưa con đi. Có lần bé nằm Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn đến gần một tháng.
Trong quãng thời gian đó, chị dường như trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc thấp thỏm, lo âu, cả hy vọng, đã bao nhiêu lần nước mắt chị cứ thế rơi vì thương con. Dù vậy, điều khiến chị an ủi đó là con là một cô bé giàu nghị lực, luôn lạc quan, đôi mắt sáng luôn ánh lên nét hiền hậu, đáng yêu. Học hết lớp 6 nhưng cô bé chỉ nặng 28 kg, vẫn kiên trì đi học, dù có tháng ít cũng phải nghỉ học một tuần nhiều thì 21 ngày. Năm nào Vân Nhi cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
|
Bé Vân Nhi ước mơ khi lớn được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mình, cho những người bệnh khác. Ảnh: Gia đình cung cấp.
|
Phải mở khí quản từ bé nên Vân Nhi nói không ra tiếng, không tròn tiếng. Vì thế, chị Vân phải lên gặp cô giáo chủ nhiệm kể rõ bệnh của con, nhờ cô hạn chế cho con đọc bài; con có nói thì cô và các bạn cũng không hiểu. Chỉ có người trong gia đình và hai cô bạn cùng lớp chơi rất thân mới có thể hiểu Vân Nhi nói gì mà không cần phiên dịch. Mỗi lần cô bé vào viện, các bạn trong lớp lại chia nhau chép bài cho để Vân Nhi có thể tự học, không bị rớt lại phía sau.
Trong suốt 10 năm chiến đấu với bệnh, Vân Nhi không bao giờ khóc, ngay cả khi tiêm truyền. Nằm ở viện, em vẫn luôn nói với bà ngoại: "Con phải chịu khó ăn mới có thể hồi sức".
Uớc mơ của bé khi còn sống là sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ, trước tiên để cứu mình, sau đó sẽ cứu những người bệnh khác. Bé vẫn xin bác sĩ những xilanh sạch về nhà rồi tập tiêm trên thú bông hay trên tay bố mẹ, ông bà, chị gái. Bé cũng hay đọc những bài báo liên quan tới sức khỏe.
Trong thâm tâm người mẹ biết căn bệnh của con không thể kéo dài được lâu. Gia đình cũng chuẩn bị tâm lý một ngày nào đó Vân Nhi sẽ ra rời xa mãi mãi. Căn bệnh khiến bé thường xuyên bị viêm họng, viêm phổi, phải uống kháng sinh liên tục, phổi cũng bị xơ dần dần. Nhưng chị không ngờ ngày đó lại đến một cách đột ngột như thế. Chỉ sau một ngày sốt, khó thở, gia đình đưa Vân Nhi vào cấp cứu nhưng trái tim đã ngừng đập; rơi vào tình trạng chết não.
Tháng hè vừa qua, sức khỏe của Vân Nhi không tốt, mọi người trong gia đình thay nhau chăm sóc. Chị Vân sụt 5-6 kg, khuôn mặt hốc hác. “Những ngày cuối đời, con vẫn nói ‘Con yêu mẹ’. Khi con ra đi, con chỉ giống như đang ngủ”, chị Vân nói.
Chị Vân cho biết rất muốn được biết hai người sẽ được hiến giác mạc của con. “Nếu người được ghép là trẻ, tôi muốn được nhận bé làm con nuôi. Tôi không đòi hỏi gì cả, nhà tôi mọi người đều lớn, đều đi làm. Tôi chỉ muốn được nhìn thấy đôi mắt của con”, chị Vân nghẹn ngào nói.
Trưa 2/7, Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia cùng cán bộ Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã đến lấy giác mạc bé Nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo chị Vân, tuy không nói được nữa nhưng bé đã mỉm cười. Ánh mắt của bé thể hiện niềm mong mỏi làm được một việc tốt, có ý nghĩa.