Tin Việt Nam

Minh Vương, Lệ Thủy - 'tình nhân dễ kiếm, tri kỷ khó tìm'

Gần 60 năm ca hát, NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương trở thành tên tuổi kỳ cựu thuộc "thế hệ vàng" cải lương. Sự gắn bó của họ kéo dài nhiều thập niên qua - điều hiếm cặp nghệ sĩ khác của làng sân khấu Nam bộ có được.

NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương được trao danh hiệu Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất năm 2008.

NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương được trao danh hiệu "Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất" năm 2008.

Năm 1964, ở tuổi 14-15, Nguyễn Văn Vưng nổi lên với tài ca cổ sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ. Chàng thiếu niên quê Long An có chất giọng cao sáng, ngoại hình khôi ngô lập tức lọt vào mắt xanh của bầu Long, đoàn Kim Chung. Ông mời Vưng về đoàn, đặt nghệ danh là Minh Vương. Cuộc hội ngộ định mệnh này giúp Minh Vương gặp Lệ Thủy. Khi đó, nữ nghệ sĩ đã nổi tiếng với các đào chánh, đào nhì cạnh các tên tuổi lừng lẫy như Minh Phụng, Thanh Hải... Lần diễn chung đầu tiên, hai người vào vai mẹ con trong vở Thượng phương bảo kiếm. Đến tuồng thứ hai, họ mới đóng cặp.

Bản vọng cổ đầu tiên Minh Vương - Lệ Thủy thu âm trên đĩa là Bánh bông lan của soạn giả Loan Thảo. Nhạc phẩm với giai điệu mộc mạc, ca từ hồn hậu, kể về chàng trai, trong một lần đi xe về miền Tây, đã phải lòng cô gái bán bánh chịu thương, chịu khó. Mỗi lần về tỉnh, anh đều tìm mua bánh của cô. Lối hát chân phương, thể hiện tình cảm khi rụt rè lúc nồng nàn của Minh Vương quyện hòa với cách ca, diễn lém lỉnh, duyên dáng của Lệ Thủy. Ở cuối bản, câu "Tui nhớ cô Hai" của chàng trai - với biểu cảm tình tứ của Minh Vương - "đốn tim" hàng loạt khán giả mộ điệu. Bản ca cổ được Lệ Thủy thu âm vào độ tuổi 25-26, thời điểm chất giọng của bà đạt độ đầy đặn, căng tràn nhất. Sau khi ra mắt, nhạc phẩm nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây, trở thành ca khúc đóng đinh "thương hiệu" Minh Vương - Lệ Thủy.

Đầu thập niên 1970, tên tuổi của Minh Vương tỏa sáng hơn, được nhiều hãng thu thanh để ý, mời ký hợp đồng. Ông dần thay thế Minh Phụng, trở thành "tình nhân sân khấu" của Lệ Thủy với các vở Đêm lạnh chùa hoang, Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Máu nhuộm sân chùa... 

Sau năm 1975, tên tuổi Minh Vương - Lệ Thủy càng sáng giá khi về chung Đoàn văn công TP HCM. Họ ghi dấu ấn trong các vai kinh điển, trở thành quy chuẩn cho nhiều nghệ sĩ trẻ mỗi dịp tái dựng tuồng cũ. Xem Tô Ánh Nguyệt, khán giả khó thể quên ánh mắt day dứt của Nguyệt khi phải trao con cho người yêu để về báo hiếu mẹ bệnh nặng, hay cái nhìn đau đáu của Minh mong được Nguyệt tha thứ và nối lại tình xưa. Còn trong vở Đêm lạnh chùa hoang, Minh Vương với vai Tần Lĩnh Sơn đã đóng đinh vào tâm khảm khán giả nhiều thế hệ qua những lời ca về "Bảo Xuyên" Lệ Thủy: "Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu. Ta gối đầu trên đá, thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai. Để yêu em được trọn lòng. Không ngăn cách bởi biên thùy".

Đánh giá về cặp nghệ sĩ kinh điển của làng cải lương, bà Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM cho rằng đây là một trong số đôi song ca hiếm hoi hợp ý về lối diễn lẫn tính cách ngoài đời. Cả hai đều sở hữu giọng hát hiếm có về màu sắc, những xử lý đặc trưng, chỉ cần cất lên là biết Minh Vương - Lệ Thủy. Sự kết hợp của hai danh ca càng khiến các tác phẩm trở nên nổi trội. Lệ Thủy từng gắn bó với nhiều kép tên tuổi khác như Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Thanh Sang... Minh Vương cũng nhiều lần song ca cùng các cô đào Bạch Tuyết, Phượng Liên, Diệu Hiền, Thoại Miêu, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm... Nhưng những lần "liên doanh" với các nghệ sĩ khác đều khó thể xóa nhòa ấn tượng trong lòng người mộ điệu về tượng đài Minh Vương - Lệ Thủy.

Đạo diễn Thanh Hiệp - người có dịp gắn bó với cặp nghệ sĩ qua nhiều chương trình sau này - đánh giá mỗi lần hợp tác trong vở nào, Minh Vương và Lệ Thủy đều như "một cặp trời sinh", khó tách rời. Hơn 60 năm ca hát, nhắc đến Lệ Thủy, đông đảo người mộ điệu đều nhớ đến Minh Vương và ngược lại. Ngoài đời, họ vui vầy với mái ấm riêng, nhưng mỗi khi lên sân khấu, cặp nghệ sĩ có sự đồng cảm đặc biệt. Mỗi lần Lệ Thủy thay đổi ánh nhìn hay dợm bước chân, xoay người, Minh Vương liền biết ý đưa tay, ôm vai để phối hợp. 

Minh Vương - Lệ Thủy thân thiết trong hậu trường.

Minh Vương - Lệ Thủy thân thiết trong hậu trường.

Lệ Thủy kể nhiều lần chỉ có bà hoặc Minh Vương xuống các tỉnh miền Tây đi hát. Không thấy cặp bài trùng đi cùng nhau, khán giả hỏi ngay người còn lại ở đâu. Không biết bao lần, bà được người hâm mộ vây quanh hỏi thăm về mối quan hệ ngoài đời với Minh Vương... Có giai đoạn, sức khỏe Minh Vương xuống dốc vì điều trị thận, ông vẫn thỉnh thoảng cùng Lệ Thủy lưu diễn. Họ thường song ca bản Bánh bông lan để đáp lại lòng mến mộ của khán giả. "Tôi và anh Minh Vương cùng khán giả ăn bánh bông lan mấy chục năm mà không ngán, càng ăn càng thấy ngọt", Lệ Thủy tâm sự.

Năm 2008, Minh Vương - Lệ Thủy được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất. Kỷ lục này dựa trên chuỗi thành tựu của hai tên tuổi: quay video cải lương đầu tiên và nhiều nhất, thu âm và phát hành album song ca cổ nhiều nhất... Theo thống kê của trung tâm này, đôi nghệ sĩ đã xuất hiện trong hơn 200 vở tuồng và hàng trăm bài tân cổ giao duyên.

Không chỉ gắn bó ở thời vàng son của cải lương, cả hai còn thân thiết ở tuổi xế chiều, dành trọn tình yêu cho sân khấu. Năm 2008, họ ra mắt Sân khấu vàng - một chương trình xã hội hóa, do nhà hát Trần Hữu Trang quản lý, vừa là sân chơi cho các nghệ sĩ cải lương gạo cội, vừa tạo nguồn quỹ làm từ thiện. Nhiều vở kinh điển được phục dựng như Tô Ánh Nguyệt, Đoạn tuyệt, Rạng ngọc Côn Sơn, Tình mẫu tử, Đêm lạnh chùa hoang... Hơn một năm ra mắt, chương trình công diễn sáu vở, trao tặng hàng chục căn nhà tình thương cho người nghèo từ tiền bán vé và đóng góp của mạnh thường quân. Tuy vậy, sau năm 2010, chương trình ngừng vì thiếu nhà tài trợ, không đủ thù lao chi trả cho các nghệ sĩ.

Ở tuổi 70, Minh Vương - Lệ Thủy vẫn miệt mài đi diễn. Lệ Thủy thường xuyên góp mặt trong Bước chân hai thế hệ - chuỗi chương trình do con trai Dương Đình Trí khởi xướng. Minh Vương vừa góp mặt trong Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc và làm giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ hàng năm. Đeo đuổi những dự án riêng, họ vẫn dành tâm huyết cho sân khấu xã hội hóa.

Cả hai từng nhiều lần gửi gắm lên các nhà quản lý văn hóa về kỳ vọng khôi phục sân khấu cải lương. Họ ước ao các sân khấu xã hội hóa được chia sẻ khó khăn, phần nào có thêm kinh phí dàn dựng tác phẩm mới, giảm tiền thuê nhà hát, sàn tập... Họ vẫn không ngừng mơ về cơ hội sáng đèn dài lâu cho các sàn diễn cải lương, dẫu ngày nay bộ môn nghệ thuật này gặp rất nhiều thử thách để duy trì.

Mai Nhật

Vnexpress.net

Các tin cùng chuyên mục Tin Việt Nam

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ