Thông tin Việt - Mỹ

Vì sao cây quất vắng mặt trong Tết Mậu Tuất ở hải ngoại

Tại Little Saigon, Nam California, người Việt tị nạn có thể tìm được bất cứ thứ gì đã quen thuộc theo truyền thống của dân tộc trong ngày Tết Nguyên Đán. Nhưng dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, ở các chợ hoa, người ta thấy vắng bóng chậu quất kiểng với những chùm quả chín mọng mầu vàng cam, theo phong thủy mang đến ý nghĩa tốt đẹp cho ngôi nhà vào đầu năm mới.

Lý do? Những cây thuộc họ cam quít (citrus) trồng ở những nhà vườn tại California, hay trong các nhà riêng, đang bị một loài côn trùng phá hoại, nên Bộ Thực Phẩm và Nông Nghiệp tiểu bang đã phải ban hành nhiều biện pháp phòng chống từ Nam đến Bắc California.

Vườn ươm cây Lái Thiêu ở thành phố Santa Ana nói với phóng viên Người Việt rằng nhân viên nông nghiệp đến thanh tra đã chặt bỏ hàng chục cây cam, bưởi, quất trồng trong chậu và cho biết nếu muốn giữ lại phải để vào trong nhà kiếng.

Trong một buổi họp công cộng tổ chức vào hôm 20 Tháng Hai, 2018, kế hoạch phun diệt loài côn trùng này được phổ biến cho một khu vực thí điểm trong thành phố Garden Grove. Những người cư ngụ tại những căn nhà đã được lên lịch phun thuốc diệt sâu sẽ được thông báo tối thiểu 48 giờ trước khi phun thuốc. Để biết thêm thông tin và hiểu rõ chương trình quan trọng này, có thể liên lạc qua đường dây nóng “côn trùng gây hại” (Pest Hotline) 1-800-491-1899.

Cây “quất,” cũng được gọi bằng tên “tắc” hay “hạnh” (Anh ngữ “kumquat” gốc từ tiếng Quảng Đông) bao gồm nhiều giống thuộc họ cam quít “citrus,” đừng lầm với nhót tây hay lô quất (loquat) thuộc họ hoa hồng “rosaceae.”

Dân Việt Nam trồng quất làm một loại cây cảnh trưng bày vào dịp Tết với trái chín màu vàng cam và lá xanh tươi được coi như biểu tượng cho sự may mắn tốt lành. Quả quất là một vị thuốc thông dụng trong Đông Y, chữa các chứng bệnh do lạnh gây ra như viêm họng, lạnh bụng, cảm hàn,… Để tránh vị chua, trái quất được dùng làm thành một loại mứt ăn trong ngày Tết.

Có chuyện khá lý thú là do một số địa phương gọi tên “quất” là “tắc” nên với tập quán tuân theo rất nhiều kiêng cữ dựa trên cơ sở ngôn ngữ, một số người miền Nam không thích cây quất trong ngày Tết vì có thể “bế tắc,” “tắc tị” suốt cả năm chứ không “hạnh,” may mắn như mong ước. Còn ở miền Bắc, cây quất vẫn rất được ưa chuộng trong các gia đình.

Trang báo điện tử VietNamNet cho biết năm nay là năm thứ 2 liên tiếp phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, tổ chức hội chợ quất cảnh. Hội chợ thu hút khoảng 100 hộ trồng quất tham gia.

Nổi bật tại hội chợ là chậu quất cảnh bon sai “Kim Long Bạch Mã” của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, 49 tuổi, được người xem đánh giá là tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Ông Mạnh cho biết, ông lấy ý tưởng từ bộ phim Tây Du Ký với hình ảnh rồng vàng hóa thành ngựa trắng của Đường Tăng và ông đã mất 8 năm để tạo dáng cho sản phẩm này. Theo lời ông Mạnh nhiều người trả giá trăm triệu ($4,400) để mua nhưng ông  không bán, và có một đại gia ở Quảng Ninh muốn thuê với giá 50 triệu nhưng do đường sá xa xôi, di chuyển khó khăn, cây dễ hỏng nên ông không đồng ý.

Một con rầy chổng cánh gốc Châu Á (ACP), tên khoa học là Diaphorina citri, đã trưởng thành có chiều dài từ 2 đến 3 mm, đang đậu trên lá cam. (Hình: David Hall – USDA ARS Image Gallery)

Từ lâu, ở Việt Nam, người ta thuê chứ không mua những cây cảnh quá đắt tiền như quất, đào, mai.  Phương cách này có nhiều lợi điểm; tiền thuê rẻ hơn tiền mua, người thuê không mất công dọn dẹp vứt bỏ qua những ngày chơi Tết vì cây cảnh được chủ vườn đến lấy đem về săn sóc để tiếp tục giữ cho nhiều năm sau cây già hơn, đẹp hơn và có giá trị hơn. Từ đó, dịch vụ chuyên chở bằng xe thồ, xe máy, xe ba bánh hay xe hơi chở hàng nhỏ cũng phát triển thêm và tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập khá cao cho chủ xe.

Trang mạng Soha.vn cho biết nhiều chậu quất được trình bày theo những hình thức độc đáo khác nhau để thêm giá trị nghệ thuật và tăng giá bán cho khách hàng.

Hai vùng trồng quất lớn nhất của tỉnh Quảng Nam là Cẩm Hà và Thanh Hà, thành phố Hội An, năm nay được mùa nhờ thời tiết thuận lợi. Nhưng tại Thanh Hóa, sau trận lụt lịch sử đầu Tháng Mười, 2017, nhiều diện tích trồng quất cảnh mất trắng hoặc hư hại nặng, thị trường quất Tết năm nay khan hiếm hàng, giá quất tăng cao.

Nghề trồng quất rất may rủi, phụ thuộc vảo thời tiết, nếu không được thuận lợi thì cây quất có thể bị chết hay héo vàng không tươi tốt và mất giá. Một đòi hỏi thiết yếu khác là cây phải ra quả đúng thời vụ và điều kiện quan trọng cuối cùng là người tiêu dùng phải ưa chuộng tìm mua quất Tết.

Báo mạng VTC.vn cho biết thị hiếu của khách hàng năm nay là quất bonsai, những cây chỉ cao không tới nửa mét. Với chủ vườn, mỗi cây quất bonsai nghệ thuật có giá từ 2-10 triệu đồng nên trồng quất bonsai có lời gấp 10 lần quất cảnh thông thường.

Trở lại với hoạn nạn về quất của người Việt ở California đang bị hại nghiêm trọng vì rầy chổng cánh (Asian citrus psyllid-ACP). Đó là một loại côn trùng biết bay, con trưởng thành màu nâu, chiều dài tới trên 3 mm, được gọi tên như vậy vì khi đậu xuống đâu, bụng và cánh đưa lên cao khoảng 30-45 độ. Chúng là một loài côn trùng lan truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá (huanglonging – HLB) rất tàn hại đối với các cây ăn quả có múi như cam, quýt, chanh, bưởi, quất.

HLB được mô tả lần đầu tiên vào năm 1929 và được công bố tại Trung Quốc năm 1943, tại đây bệnh có tên gọi hoàng long bệnh  nghĩa là “bệnh rồng vàng.” Đài Loan bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh này năm 1951. Châu Phi công bố trường hợp bệnh đầu tiên năm 1947 tại Nam Phi, nơi mà dịch bệnh vẫn còn tiếp tục lan rộng.

Hầu hết các vùng trồng cam chanh ở Châu Á đều có bệnh, trừ Nhật Bản nằm ngoài khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh vàng lá ảnh hưởng lớn tới mùa màng tại Trung Quốc, Đài Loan, quần đảo Ryu Kyu, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Afghanistan, Saudi Arabia, Réunion, Mauritius.

Châu Mỹ có bệnh tại Brazil và tiểu bang Florida từ năm 1998.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh HLB là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá gần lại, phiến lá có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh và nhỏ, mọc thẳng đứng  nên còn có tên gọi bệnh vàng lá gân xanh.

Cây bị bệnh thường ra hoa trái mùa, hoa ít và hay rụng. Quả nhỏ hơn bình thường, vị đắng, hình thù méo mó, vị đắng, khi bổ dọc thì tâm quả lệch hẳn sang một bên, Rễ cây bị thối nhiều, phần lớn rễ tơ bị mất chỉ còn hệ thống rễ chính và thậm chí rễ chính cũng thối. Các triệu chứng nói trên xuất hiện ở từng cành, từng cây trong vườn, có khi xuất hiện trên cả vườn.

Rầy chổng cánh ACP được phát hiện năm 1998 ở Florida có lẽ  theo cùng với những cây du nhập  từ Châu Á. Tới năm 2000, dịch bệnh đã lan tràn trên 31 county của tiểu bang Florida và sang nhiều tiểu bang kế cận khác. California tìm thấy ADP lần đầu tiên năm 2008 ở San Diego County và trong vài năm gần đây ở nhiều county khác trong số có Orange County.

Rầy chổng cánh phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới nhưng cũng có thể lan tới vùng ôn đới và sống sót ngay cả  khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Rầy chổng cánh lan truyền đi xa hầu hết do sự di chuyển những cây nhiễm bệnh, do đó các vườn ươm cây chỉ được phân phối những cây lành mạnh.

Có thể diệt trừ ACP hiệu quả bằng nhiều loại thuốc trừ sâu và để ngăn chặn dịch bệnh HLB có thể phun thuốc kháng sinh tetracycline lên cây với điều kiện công tác phải được kiểm soát chặt chẽ.

Bộ Thực Phẩm và Canh Nông California nói rằng công trình phun diệt ACP trong vườn với tầm vóc giới hạn như ở thành phố Garden Grove đang sử dụng hợp chất pyrethroid để phun lên cành lá của các cây họ cam quít trồng trong khu vực các nhà tư nhân. Đồng thời loại thuốc trừ sâu imidacloprid sẽ được rải xuống đất dưới gốc cây để tạo năng lực phòng chống rầy chổng cánh ACP lâu dài.

Bộ Thực Phẩm và Canh Nông California sẽ tuân thủ tất cả các lời chỉ dẩn in trên nhãn bình thước trừ sâu. Như vậy mọi người nên hợp tác với chương trình này để diệt trừ loài côn trùng gây hại trước khi quá trễ.

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ