Thông tin Việt - Mỹ

Quán phở Việt yêu thích của John McCain và các cựu tù binh ở Mỹ

Richard Nguyễn vẫn nhớ rõ cảnh tượng 100 người đàn ông tụ họp ở nhà hàng của gia đình anh, vừa ăn phở vừa ôn lại cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nhà hàng Nam Việt ở quận Arlington, bang Virginia. Ảnh: Arl Now

Nhà hàng Nam Việt ở quận Arlington, bang Virginia.

Richard, 34 tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ khi cuộc hội ngộ đầu tiên của các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại nhà hàng trước đây của gia đình mang tên My An. Lúc đó, nó nằm ở khu vực được gọi là Little Saigon của quận Arlington, bang Virginia. Khu vực này giờ đã thay đổi nhưng nhà hàng vẫn là một điểm hẹn quen thuộc của họ dưới cái tên khác là Nam Việt.

Theo Cronkite New, qua nhiều năm, số lượng cựu binh đến đây giảm dần, còn 40, rồi 25 người, khi họ chuyển đi nơi khác sinh sống hoặc qua đời. Cuối tuần trước, nhóm lại mất đi một thành viên nữa, thượng nghị sĩ John McCain, người qua đời ở tuổi 81 vì ung thư não.

Dường như việc các cựu binh Mỹ chọn một nhà hàng Việt Nam để tụ họp có vẻ kỳ quặc. Tuy nhiên, suốt hơn 30 năm, nhóm cựu binh, mà nhiều người trong số đó từng là tù binh chiến tranh Việt Nam, vẫn thường xuyên đến đây để hồi tưởng và hàn gắn.

"Chúng tôi ngồi ở đó nhiều giờ liền, cười nói và thưởng thức các món ăn tuyệt vời, đó thực sự là một phần trong cuộc sống của chúng tôi", ông Orson Swindle, người từng trải qua 18 tháng cùng McCain ở nhà tù Hỏa Lò, nói. "John và tôi ngủ cạnh nhau trong tù, vì thế chúng tôi biết nhau khá rõ".

Nhóm cựu binh Mỹ trong một cuộc hội ngộ ở nhà hàng Nam Việt. Ảnh: Nam Việt 

Nhóm cựu binh Mỹ trong một cuộc hội ngộ ở nhà hàng Nam Việt.

Swindle cho hay McCain luôn cố gắng sắp xếp công việc để dành thời gian đến nhà hàng Nam Việt.

"Khi ông ấy có thời gian rảnh, vào bất kỳ lúc nào trong năm, tôi sẽ nhận được cuộc gọi từ nhân viên của ông ấy nói rằng 'ngài thượng nghị sĩ muốn gặp ông để xem liệu ông có thể gọi được một số người bạn cũ cùng đi ăn tối ở nhà hàng Nam Việt hay không' ", ông Swindle nhớ lại.

Richard cho hay các cuộc hội ngộ của ông McCain và nhóm cựu binh thường diễn ra vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

"Nếu trúng ngày diễn ra Super Bowl Sunday (trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia vào chủ nhật đầu tiên của tháng hai), chúng tôi sẽ tổ chức vào tuần trước hoặc sau đó", Richard cho biết. "Nhưng hầu như cuộc hẹn luôn diễn ra từ cuối tháng một đến giữa tháng hai".

Richard tin rằng nhà hàng Nam Việt sẽ không có ngày hôm nay nếu không nhận được sự ủng hộ từ các cựu binh Mỹ trong những thập kỷ qua. Nối nghiệp cha mẹ tiếp quản nhà hàng, anh muốn mang đến cho các cựu binh một không gian để hội ngộ thay vì khơi lại những trải nghiệm đau thương trong họ. Anh biết rằng những câu chuyện được họ kể với nhau ở đây vẽ ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chi tiết về cuộc chiến tranh Việt Nam.

"Nếu những bức tường có thể trò chuyện, tôi dám chắc chúng có thể kể nhiều hơn cả tôi", Richard nói.

John McCain (trái) và Orson Swindle thường xuyên tổ chức liên hoan với các cựu binh ở nhà hàng Nam Việt. Ảnh: Orson Swindle

John McCain (trái) và Orson Swindle thường xuyên tổ chức liên hoan với các cựu binh ở nhà hàng Nam Việt.

Anh nhớ ông McCain thường đến đây cùng các cựu binh hoặc gia đình, ngồi ở chiếc bàn tròn phía sau.

"Món ăn yêu thích của ông ấy luôn là bánh xèo, phở gà và nem rán", anh kể.

Thượng nghị sĩ từng đến Nam Việt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 và các nhân viên của ông định tổ chức một sự kiện mang tính riêng tư tại đây. Tuy nhiên, ông McCain cuối cùng đã hủy kế hoạch và nhà hàng vẫn mở cửa cho công chúng.

"Không có sự đối đãi đặc biệt nào. Ông ấy luôn khiêm nhường và chỉ muốn được đối xử như khách hàng tiếp theo ở bàn", Richard nói. "Đó là điều thực sự khó tìm thấy ở các chính trị gia ngày nay".

Với Swindle và Richard, đó chính xác là con người McCain, không phải một chính trị gia tầm cỡ hay người nổi tiếng mà đơn giản là một trong những người có thể chia sẻ cảm xúc, tình thân khi họ cùng nhau hàn gắn những vết thương chiến tranh.

"Chúng tôi phải hàn gắn", ông Swindle nói. "Chúng tôi không thể để thế hệ này đến thế hệ khác thù ghét lẫn nhau".

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ