Thông tin Việt - Mỹ

Một sinh viên gốc Việt tham gia hành trình Texas 4000 gây quỹ phòng chống bệnh ung thư

Martin Phạm, sinh viên gốc Việt, đang học năm thứ tư ngành cơ khí, trường đại học Texas, sẽ cùng 85 người khác tham gia hành trình Texas 4000 vào Hè 2019.

Texas 4000 là tên một hành trình đạp xe dài trên 4,000 dặm nhằm gây quỹ từ thiện dành cho việc nghiên cứu & phòng chống bệnh ung thư, khởi nguồn từ hai cựu sinh viên của Đại học Texas từ năm 2004. Đây là hành trình 70 ngày đạp xe trên chặng đường dài, khởi đầu từ thành phố Austin, Texas và kết thúc tại thành phố Anchorage, tiểu bang Alaska.

Ghi danh từ Mùa Thu năm 2017, được chấp thuận vài tháng sau đó, Martin bắt đầu bước vào thời kỳ huấn luyện từ đầu năm 2018 để chuẩn bị cho chuyến đi vào mùa Hè sắp tới.

Martin cho biết: “Trong 10 tháng đầu năm 2018, chúng tôi phải tập các môn như chạy, đi bộ, trekking. Tới tháng thứ 10, chúng tôi bắt đầu lập thành tổ 6 người, thực hành đạp xe theo các lộ trình ngắn từ 20-25 dặm ở xung quanh khu vực Austin. Hiện nay chúng tôi đã tiến lên lộ trình 40-45 dặm và sẽ tăng lên lộ trình hàng trăm dặm. Chúng tôi phải tập các kỹ năng sống để đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm xảy ra trên đường đi như thời tiết xấu, đường dốc, có ổ gà, tai nạn hay hỏng xe hay trường hợp không có nơi ăn ngủ.”

Ngoài ra, theo Martin, những người tham dự còn được huấn luyện kỹ thuật đạp xe sao cho hiệu quả, cũng như luyện tập kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và kiến thức về ung thư để truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới tất cả mọi người trên chuyến đi về căn bệnh này.

Nói về lý do tham gia Texas 4000, Martin không ngần ngại chia sẻ: “Tôi tham gia hành trình Texas 4000 vì những người thân yêu của tôi, trong đó có ông nội, bà ngoại và một người dượng (chồng của dì) của tôi đã qua đời vì bệnh ung thư. Bà ngoại tôi đã qua đời vì ung thư phổi khi tôi còn trong bụng mẹ, ông nội tôi đã qua đời cách đây vài năm vì bị ung thư tuyến tiền liệt. Chú tôi, một cựu chiến binh VNCH, qua đời vì bệnh ung thư phổi, từ tám năm về trước.”

“Tôi được lớn lên trong một gia đình đông người, nhiều thế hệ, đầy ắp sự đùm bọc và tình yêu thương. Ông nội, bà ngoại và chú tôi là những người quan trọng góp phần nuôi dưỡng, giáo dục và thay đổi cuộc đời tôi. Ông, bà tôi đã nuôi lớn một gia đình tới 19 người con, cháu. Dượng tôi là người dang rộng vòng tay bảo lãnh gia đình tôi di cư sang Mỹ, lo nơi ăn chốn ở và cho cơ hội để chúng tôi có ngày hôm nay. Tôi muốn đạp xe để bày tỏ lòng biết ơn tới họ. Đồng thời, tôi cũng muốn đạp xe cho tất cả những người sống cuộc đời luôn cho đi, hy sinh và tạo cơ hội cho người khác,” anh nói thêm.

Sinh ra tại Kansas vào năm 1997, Martin đại diện cho thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt thứ hai, được thụ hưởng trọn vẹn nền giáo dục Hoa Kỳ nhưng anh vẫn gìn giữ truyền thống văn hóa gia đình của người Việt.

Martin Phạm (hàng quỳ, bìa phải) và các thành viên trong đội bóng của trường đại học.

Martin chọn tuyến đường có tên Rockies dài 5,144 dặm, xuất phát từ Austin, đi ngược về phía bắc Texas, xuyên qua Oklahoma, Colorado, Utah, Wyoming, and Montana, sau đó đi qua các tỉnh Alberta, British Columbia, and và Yukon của Canada rồi tiến về thành phố Anchorage của tiểu bang Alaska. Tuyến đường này, đa số đi men theo những sườn núi, xuyên qua những cánh rừng hoang dã rộng lớn, có những đoạn độ dốc cao, không hề dễ dàng kể cả với người đi xe hơi, chứ chưa nói gì đối với người đi xe đạp.

Martin đã chọn tuyến đường đầy hiểm trở này vì: “Tôi muốn đặt mình vào thử thách lớn để bày tỏ tấm lòng mình đối với những người đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Tôi may mắn hơn họ, có cơ hội để làm những điều tôi muốn. Tôi là một người yêu thích thể thao và hoạt động ngoài trời. Texas 4000 là cơ hội để tôi thỏa sức trải nghiệm đam mê thể thao của mình.  Đồng thời tuyến đường này còn đi qua nhiều thành phố lớn, đông dân cư, để tôi được truyền đi thông điệp giúp đỡ những người đang chiến đấu với bệnh ung thư và mong muốn một ngày không xa sẽ chấm dứt căn bệnh này. Tôi đạp xe cho họ, những người không có cơ hội đạp xe vì căn bệnh ung thư.”

Tất cả thành viên sẽ xuất phát và đi cùng nhau trong ngày đầu tiên gọi là ngày 0 (Zero Day). Tới ngày thứ hai, sẽ chia ra ba tuyến khác nhau có tên là Sierra, Rockies và Ozarks. Sau đó sẽ gặp lại nhau tại thành phố Whitehorse, thủ đô của phía Tây Bắc Yukon của Canada vào ngày thứ 61. Tất cả thành viên sẽ đi cùng nhau trong chín ngày cuối cùng tới thành phố Anchorage của tiểu bang Alaska. Mỗi thành viên sẽ đạp xe hơn 4,000 dặm trong suốt hành trình 70 ngày mùa Hè 2019.

Những người tham dự có thời gian một năm để được đào tạo về việc sắp xếp chỗ ăn ở, nghỉ qua đêm. Họ chủ yếu nhờ vào nhà thờ, trường học, các cơ sở thương mại hay nhà dân hào phóng có lòng giúp đỡ, hoặc có khi cắm trại ngoài trời để trú qua đêm.

Những người tham dự chương trình này phải tự gây quỹ để trang bị xe đạp và bỏ tiền túi mua đồ cá nhân và đồ cắm trại trong suốt chuyến đi của mình. Ngoài ra, họ phải thay phiên nhau lo chuẩn bị thực phẩm, bữa ăn tại các điểm dừng chân, trong trường hợp không được ai cung cấp. Họ cũng phải tự thay phiên nhau lo các vấn đề ứng cứu khẩn cấp (gọi là SAG). Trong trường hợp có một ai đó không đủ sức khỏe để đạp xe tiếp tục, bộ phận SAG phải hỗ trợ cho tới khi họ tham gia trở lại. Trong trường hợp nghiêm trọng không thể tiếp tục hành trình, họ sẽ được trở về nhà bằng máy bay.

Martin cho biết, những đồ dùng cá nhân, đồ cắm trại như túi ngủ, lều, giày, gang tay, vỏ xe thay thế… có thể lên đến $800, anh phải chuẩn bị tiền túi để bỏ ra. Tuy nhiên, anh được bạn bè và gia đình ủng hộ rất nhiệt tình, nên việc gây quỹ không gặp nhiều khó khăn.

Martin đã đặt ra mục tiêu $4,500 để đóng góp cho quỹ Texas 4000. Hiện anh đã quyên góp được trên $3,000, từ bạn bè, gia đình ủng hộ, trong đó phần lớn là người gốc Việt.

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ