Thông tin Việt - Mỹ

Mẹ Việt vừa mở phòng khám tư tại Mỹ, vừa tự tay chăm con gái 3,5 tuổi

Chị Bảo Chân dành những năm đầu đời của con gái để bé vui chơi bên gia đình thay vì tới lớp.

36 tuổi, chị Bảo Chân sở hữu phòng khám tư về chỉnh xương tại tiểu bang Ohio, Mỹ. Mỗi ngày, phòng khám của chị tiếp đón lượng bệnh nhân ổn định nên bà mẹ Việt khá bận rộn. Tuy vậy, chị Chân quyết định tự tay chăm Lainey, cô con gái lai Mỹ 3,5 tuổi, chứ không thuê vú em hay gửi bé đi nhà trẻ. Bởi chị cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của người mẹ là được chứng kiến con lớn lên trong những năm đầu đời.

me-viet-vua-mo-phong-kham-tu-tai-my-vua-tu-tay-cham-con-gai-3-5-tuoi

Chị Bảo Chân bên ông xã và con gái, bé Lainey.

Dạy con tự lập

Sau ba năm hẹn hò, chị Bảo Chân kết hôn cùng ông xã người Mỹ và ổn định cuộc sống tại South Carolina. Lúc con gái chào đời, chị Chân nghĩ tới việc đưa bé về Ohio, quê hương chồng chị. Người mẹ Việt cho rằng, gia đình là môi trường tốt nhất để mỗi đứa trẻ phát triển. Chị muốn con gái lớn lên trong tình yêu của ông bà, các cô dì và anh chị em họ. 

Chị Chân cùng ông xã dừng công việc cũ để chuyển về Ohio mở phòng khám tư. Tại Ohio, vợ chồng chị mua một căn nhà lớn, phía dưới làm phòng khám, phía trên dành để cả nhà sinh hoạt. Chị bắt tay vào gây dựng lại sự nghiệp, đồng thời chăm sóc con gái và quán xuyến việc gia đình.

Phòng khám khi mới chưa đông khách nên chị Chân có nhiều thời gian chăm con. Chị đặt bé vào chiếc cũi trong phòng có gắn camera và bật những bản nhạc thiếu nhi vui vẻ. Ở tầng dưới, chị Chân vừa tiếp đón bệnh nhân, vừa để mắt tới camera để trông bé. Lúc rảnh tay, người mẹ lên tầng chơi cùng con rồi lại thả bé xuống khi có khách tới. Lainey sớm quen với việc chơi một mình. Bé ngồi hàng giờ trong cũi cùng những chú thú bông nhưng không hề quấy khóc. Chị Bảo Chân cho rằng, việc chơi một mình giúp Lainey phát huy khả năng độc lập, sáng tạo. Một lần, khi quan sát camera, chị Chân thấy con gái biết tìm cách tự khều món đồ chơi làm rơi khỏi cũi vì không ai nhặt giúp. Lúc đó, Lainey mới 13-14 tháng tuổi.

Biết con gái thích vẽ nên chị Chân kê riêng cho Lainey chiếc bàn học dưới phòng khám. Khi ba mẹ làm việc, bé ngồi tô màu hoặc xem chương trình thiếu nhi trên máy tính bảng. Lainey rất thích trò chuyện với các bệnh nhân của mẹ. Cô bé hay pha trò khiến mọi người vui vẻ nên không ai cảm thấy phiền dù Lainey nói liến thoắng cả ngày.

Lainey sinh ra tại Mỹ nhưng bé biết ăn hầu hết các món ăn Việt Nam. Chị Chân cho con ăn dặm theo nguyên tắc: không phàn nàn, không kén chọn. Bà mẹ Việt thường nấu nồi cháo loãng đủ ăn vài bữa và cất vào tủ lạnh. Chị xay nhuyễn rau củ luộc, chia vào từng hũ nhỏ, bảo quản mát.

Những thực phẩm trên được chị Chân rã đông nhiều giờ trước khi chế biến cho Lainey. Tới bữa, người lớn ăn món gì, chị sẽ dùng một ít, xay nhuyễn rồi nấu lại cùng hỗn hợp rau và cháo để ra khẩu phần cho bé. Với cách này, con gái chị Chân được ăn đủ chất, trải nghiệm nhiều món ăn. Chị không tốn thời gian nấu thực đơn riêng cho bé và đảm bảo kế hoạch đào tạo con ăn gì cũng được, sống trong hoàn cảnh nào cũng tốt.

me-viet-vua-mo-phong-kham-tu-tai-my-vua-tu-tay-cham-con-gai-3-5-tuoi-1

Chị Chân vừa quản lý phòng khám, vừa tự tay chăm con gái gần 4 tuổi.

Chị Bảo Chân dạy con làm việc nhà từ sớm, bắt đầu bằng thao tác gấp chăn màn khi ngủ dậy, tự thu dọn đồ chơi. Không phải lúc nào Lainey cũng hứng thú với việc này. Đôi khi, bé làm nhiệm vụ một cách lề mề và miễn cưỡng. Chị Chân quyết tâm không làm hộ, chị đứng chờ Lainey làm xong rồi đưa ra lời khen nếu con làm tốt hoặc yêu cầu bé làm lại khi chưa tốt.

Bà mẹ Việt cho rằng, trẻ thường có tâm trạng bực bội nếu cảm thấy bị bố mẹ sai bảo. Khi con gái có dấu hiệu khó chịu, chị Chân sẽ bắt tay làm cùng bé, đồng thời hướng dẫn Lainey cách làm. Lúc Lainey dọn dẹp, chị Chân tắt ti vi hoặc máy tính bảng, để cô bé tập trung hoàn thành công việc.

Mất khoảng nửa tháng để Lainey hình thành thói quen xếp chăn màn khi thức dậy. Chị Chân không la mắng con khi bé lười, chỉ khuyến khích để con gái có động lực cố gắng.

Giúp bé bước qua khủng hoảng tuổi lên 4

Chưa đầy 4 tuổi nhưng Lainey hoạt ngôn. Sở thích nói nhiều của cô bé mang đến không khí vui vẻ nhưng cũng khiến ba mẹ "đau đầu".

Chị Bảo Chân tâm sự, lúc Lainey còn nhỏ, vợ chồng chị khuyến khích con nói ra suy nghĩ của mình. Chị và ông xã dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con, giúp bé tự tin phát triển năng khiếu nói. Tuy vậy, thời gian gần đây, Lainey nói... quá nhiều khiến vợ chồng chị lo lắng. Bà mẹ Việt tại Mỹ dặn con: Không nên giới thiệu về bản thân khi chưa được đề nghị. Tuy nhiên, Lainey thể hiện sự lém lỉnh của mình bằng cách đi đâu bé cũng hỏi: "Bác có biết tên cháu không?" và chỉ chờ người đó đáp lại: "Tên cháu là gì?", cô bé lai 4 tuổi sẽ "thao thao bất tuyệt" các câu chuyện về mình.

Những lần Lainey nói nhiều quá, chị Chân nhắc khéo: "Được rồi, Lainey, kể như vậy đủ rồi đó, mai nói chuyện tiếp nhé" hoặc đánh lạc sự chú ý của con tới việc khác. Trước mặt người lạ, bà mẹ Việt không cắt lời hay la mắng Lainey vì điều này khiến con mất tự tin. Nhưng khi chỉ có hai mẹ con, chị nghiêm túc nhắc nhở cô bé.

Lainey là "con đầu cháu sớm" của hai bên nội, ngoại nên được ông bà cưng chiều. Ở tuổi lên 4, đôi lúc Lainey rất bướng. Chị Bảo Chân không đồng tình với khái niệm "khủng hoảng tuổi lên 2-3-4". Với chị, ở giai đoạn nào con gái cũng phải nghe lời. Dạy bé nghe lời, theo chị Chân, không phải tước đi sự tự do suy nghĩ và hành động của bé. Nhưng ở độ tuổi này, Lainey cần biết lắng nghe, chia sẻ cảm xúc và làm mọi việc dưới sự cho phép của ba mẹ.

me-viet-vua-mo-phong-kham-tu-tai-my-vua-tu-tay-cham-con-gai-3-5-tuoi-2

Lainey là em bé hài hước, lém lỉnh nhưng đôi lúc bướng bỉnh.

Lainey mê đồ chơi nên đôi khi làm nũng đòi mẹ mua quà. Thông thường, chỉ cần chị Chân giải thích: "Món này đắt quá mẹ không mua được" hoặc "Con đã có thứ giống như vậy rồi mà", Lainey sẽ chấp nhận. Vài lần, con gái chị Chân mè nheo khiến chị phải nghiêm mặt: "Nếu con khóc nhè, mẹ sẽ bỏ lại những thứ đã chọn và chúng ta về nhà". Khi Lainey bắt đầu khóc to, chị Chân đi nhanh ra khỏi quầy hàng. Thấy mẹ không nhượng bộ, bé lập tức nín khóc.

Dạy con ở tuổi lên 4, chị Chân thấy khó khăn khi giúp Lainey hiểu những điều bé đang nói và làm. Mỗi lần Lainey làm sai, bé lập tức đọc "câu thần chú miễn tội": "Con xin lỗi. Đó là lỗi của con. Lần sau con sẽ không làm như vậy nữa". Chị Chân biết con nói vanh vách nhưng không hiểu gì nên chưa hài lòng. Người mẹ Việt tại Mỹ cho rằng, giúp Lainey hiểu việc bé làm sai quan trọng hơn là chấp nhận lời xin lỗi và lời hứa không tái phạm của bé.

Khi Lainey nói cảm ơn, bé được mẹ hỏi lại: "Con cảm ơn ai thì phải nói rõ tên người đó chứ. Lainey nói lại đi nào". Lúc con gái chị Chân bị phạt, chị nói: "Con biết nhận lỗi là đúng. Nhưng con mắc lỗi gì? Tại sao con bị phạt?". Lainey sẽ suy nghĩ hồi lâu rồi hiểu ra mình sai ở đâu. Chị Chân dạy bé để tâm vào từng câu nói chứ không phát ngôn bâng quơ như... chú vẹt. 

Chị Bảo Chân gặp nhiều bối rối trong lần đầu làm mẹ vì không biết dạy con thế nào cho đúng cách. Thấy bạn bè giúp con đọc số, học chữ từ nhỏ, chị rất sốt ruột. Có ông xã từng làm công việc liên quan tới đào tạo trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, chị Chân tâm sự với chồng về nỗi lo của mình. Bà mẹ Việt nhận được lời khuyên: Hãy dành mọi thời gian để chơi cùng con, thay vì bắt chúng học. Lainey cần được rèn tính cách, học "làm người", biết yêu thương những người thân trong gia đình, trước khi học kiến thức. 

Hiện tại, Lainey gần 4 tuổi, nhưng chị Chân vẫn chưa cho con đi học mẫu giáo. Bé được học múa một giờ mỗi tuần và dành nhiều thời gian vui chơi, tự học cùng ba mẹ. 

"Rồi Lainey sẽ đến tuổi tới trường thôi, nên lúc này, ở gần gia đình thêm chừng nào, tốt chừng đó", chị Chân nói.

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ