Thông tin Việt - Mỹ

Đàn ông Việt ở Mỹ

Tuần trước, tôi có cái hẹn ăn tối tại nhà một anh bạn mới quen qua Facebook. Đúng là thời đại thông tin điện tử, chỉ qua vài lời giới thiệu của ai đó là có thể tay bắt mặt mừng chào đón nhau ngay. 6 giờ chiều, tôi gọi điện cho anh thì nghe thấy tiếng lao xao bên kia đầu dây, anh bạn tôi hồ hởi: “Chào em, anh đang đi chợ mua đồ cho vợ đãi khách tối nay đây! Em thấy tụi anh bên này có tội không?”, rồi anh cười khà khà, nghe qua tiếng cười chỉ thấy tự hào sung sướng chứ tuyệt nhiên chẳng thấy tội nghiệp chút nào.

Đi chợ, nấu nướng, rửa bát, quét dọn nhà cửa…, từ trước tới giờ trong mắt đàn ông Việt nội trợ là việc của đàn bà, đàn ông chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền, hoặc không kiếm được tiền bằng vợ, hay chẳng may thất nghiệp cũng có quyền nằm khểnh chân đọc báo, xem ti vi, hoặc ra quán nước đầu ngõ nói chuyện đại sự, chứ bảo chui vào bếp thì còn lâu nhé, cứ thấy hèn hèn thế nào. Biết làm sao khi ai cũng nghĩ thế, mãi thành quen, đàn bà thấy chả sao, lại được thiên hạ khen là đảm đang, tháo vát, biết hy sinh cho chồng, cho con.

Vợ chồng tôi đến hơi muộn so với giờ hẹn nên bữa tiệc được diễn ra trước đó ít lâu, có cảm giác chủ nhà dành nhiều ưu ái hơn cho những vị khách lần đầu gặp mặt, cuộc hội ngộ thêm thú vị với sự có mặt của nhà thơ Bùi Thanh Tuấn mới từ Việt Nam sang (anh đang trên đường thực hiện phóng sự Bụi đời nước Mỹ), họa sỹ Quế Hương, nhạc sỹ Trần Quảng Nam – tác giả ca khúc nổi tiếng mà không ai không biết: Mười năm tình cũ. Vừa thấy tôi mọi người đã khoe: “Chúng tôi vừa bàn nhau về chủ đề bình đẳng giới!”.

Xem ra đề tài này chưa khi nào nguội, tự nhiên tôi nghĩ, vì sao đàn ông cứ để cho phụ nữ phải loay hoay đấu tranh quyền lợi chứ không vì một chữ tình mà tự nguyện dâng tặng cho nàng những điều tốt đẹp nhất? Ở bài viết này, tôi không tiện nêu tên một vài nhà văn nữ nổi tiếng ở Việt Nam vô cùng hăng hái trong việc đấu tranh bênh vực phụ nữ thông qua các phương tiện truyền thông như tác phẩm và internet. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu ý kiến thì các đấng mày râu lại có phản ứng không vui, thậm chí cảm thấy mình như bị xúc phạm vậy. Bao lâu nay phụ nữ xứ này vẫn sống tốt, vẫn hy sinh một cách cao thượng cho đàn ông, có làm sao đâu, hà tất phải vùng lên làm gì cho mất đoàn kết? Rồi thì đụng tới là so sánh Tây với Ta, Tây, Ta, hay Tàu, xét về bản chất đều như nhau cả?

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Những người đàn ông Việt sống ở Mỹ như tôi thấy, dù thành đạt và có địa vị, họ vẫn vô cùng nhã nhặn, khiêm nhường trong ứng xử với phụ nữ mà không hề hợm hĩnh, khoe khoang. Tiền bạc, của cải được mặc định coi là vấn đề tế nhị. Những ngày cuối tuần, tôi luôn bắt gặp cảnh vợ chồng con cái đưa nhau đi ăn ở các tiệm phở và nhà hàng rất ấm cúng.

Việc nhà được phân chia rõ ràng, ngay trong nhà tôi, đàn ông cũng nhận trách nhiệm rửa bát, lau chùi nhà cửa, bố chồng tôi đã 80 tuổi nhưng vẫn không ngần ngại tự tay đẩy xe rác ra cổng vào mỗi thứ 3 trong tuần. Đôi khi tôi phân vân tự hỏi, lý do gì khiến họ dễ thương đến thế? Vì bản tính hay vì môi trường quyết định? Tại sao các bà vợ bên này không cho chồng về Việt Nam một mình vì thả ra là… mất, với lý do, con gái Việt Nam ngày càng hấp dẫn và biết cách ngọt ngào chiều chuộng? Anh bạn thân của tôi hồi ở Hà Nội luôn có hai cô bồ trẻ trung, xinh đẹp trong cùng một thời điểm, nhưng sang Mỹ định cư rồi mới thấy anh than thở rằng: “Kiếm người yêu bên đây sao mà khó vậy?”.

Ở Mỹ, có quá ít cơ hội để các đấng mày râu sa ngã hoặc lao vào những cuộc phiêu lưu tình ái như ở Việt Nam, trừ phi phải có thật nhiều tiền. Đời sống tư bản với áp lực tài chính đè nặng khiến phái nam chẳng còn thời gian mà cà phê, nhậu nhẹt, bồ bịch thả ga… Hay vì phái nữ luôn luôn ý thức được giá trị và quyền tự tôn của bản thân, cũng như pháp luật Mỹ quá nghiêm minh đối với việc bạo hành và làm tổn thương người phụ nữ? Trong bất kỳ trường hợp nào mà người chồng có hành vi ngược đãi, đánh đập vợ, người vợ chỉ cần lấy điện thoại bấm 911 là cảnh sát có mặt tức thì. Nếu như phụ nữ ở Việt Nam sợ ly hôn vì hậu ly hôn, họ thiệt thòi đủ mọi đường thì đàn ông bên Mỹ lại sợ ly hôn không kém.

Nghe có vẻ ngược đời nhưng trên thực tế, pháp luật Mỹ quy định rất rõ ràng, cụ thể về vấn đề phân chia tài sản, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhất là người chồng phạm lỗi nghiêm trọng như ngoại tình thì quyền lợi của người phụ nữ càng được đề cao hơn nữa. Hẳn nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì đàn ông Tây khác xa đàn ông xứ mình ở ý thức hệ, họ được giáo dục ngay từ nhỏ việc giúp đỡ, trân trọng và nhường nhịn phái nữ. Bởi thế, đàn ông Việt sống ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng tích cực bởi thái độ sống xung quanh mình. Bảo sao những cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài, được người bạn đời trân trọng, thương yêu mà ngạc nhiên đến cảm động, chỉ biết suốt ngày lên mạng Facebook kể về hạnh phú

Tôi có người anh họ là kỹ sư điện, thu nhập ở mức độ khá nhưng vẫn phải lo trả tiền nợ ngân hàng cho căn nhà trị giá nửa triệu đô la trong vòng 20 năm nữa. Vì lý do gia đình nên vợ của anh tạm thời vẫn sống ở Việt Nam. Mỗi ngày, anh đi làm từ sáng đến tối, về đến nhà vội vã đặt nồi cơm ăn với lạc rang, ruốc hoặc đồ hộp và giải trí bằng cách xem ti vi. Ngày chủ nhật anh lái xe đưa bố mẹ đi ăn ở nhà hàng hoặc mua sắm một mình. Tôi quan sát thấy anh hầu như không có một người bạn thân nào để chia sẻ ngoài vài đồng nghiệp trong công ty. Tôi hỏi anh rằng: “Anh không thấy cuộc sống nhàm chán hay sao? Sao anh không đi uống cà phê hay đi club cho thoải mái?” (Tôi biết công việc của anh nặng về trí óc và anh thường xuyên bị stress). Nhưng anh chỉ cười bảo rằng: “Anh quen rồi, nếu anh đi cà phê hoặc club, vợ anh biết sẽ không vui!”

Ngạc nhiên chưa! Đây không phải lần đầu tiên tôi biết một sự thật là, ở bên Mỹ, người vợ không vui khi người chồng đi uống cà phê. Những người bạn của chồng tôi cũng cùng một hoàn cảnh. Hầu như tất cả các vấn đề nhỏ hay lớn, nghiêm trọng hay không chồng đều hỏi ý kiến của vợ mới được quyết định. Vậy nên hình ảnh Việt kiều Mỹ ngông nghênh về quê hương xài tiền đô như nước và ăn chơi tới bến hoàn toàn không giống với đời sống thực tại mà tôi đang quan sát. Cũng có thể mới chân ướt chân ráo qua đây, tôi chưa gặp hết, nhìn thấy hết những ngóc ngách đời sống của tất cả đàn ông Việt ở nước ngoài, vì ở đâu cũng có người này người kia với những bi kịch khác nhau. Tuy nhiên, có thể nhận xét một cách hài hước rằng đàn ông Việt Nam ở Việt Nam thì sướng như vua, còn đàn ông Việt Nam ở Mỹ thì khổ thiệt khổ vì bị xếp sau cả con… cún. Chao ôi!

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ