Thông tin Việt - Mỹ

Bé gái gốc Việt khuyết tật ước mơ thành vận động viên bơi lội Mỹ

Bị tai nạn và mất đi đôi chân khi mới vài tháng tuổi, cô bé gốc Việt Haven Shepherd đã quyết không đầu hàng số phận, kiên trì theo đuổi ước mơ và trở thành một vận động viên bơi lội với hy vọng có thể đại diện nước Mỹ tham gia thế vận hội của người khuyết tật Paralympics.

 

Haven Shepherd (Ảnh: Caters News Agency)

Không đầu hàng số phận

Haven Shepherd là kết quả cuộc một mối tình cấm đoán. Cha mẹ cô bé vì không chịu được áp lực đã đưa ra một quyết định dại dột: dùng mìn tự sát cùng con gái.

Haven đã may mắn sống sót qua vụ nổ, nhưng vĩnh viễn mất đi phần chân từ đầu gối trở xuống. Ông bà của em quá nghèo nên không thể đủ chi phí chữa chạy và chăm sóc cô bé. Xúc động và thương cảm với câu chuyện bất hạnh của em, một cặp vợ chồng từ bang Missouri, Mỹ vượt hàng ngàn km sang Việt Nam để nhận cô bé làm con nuôi khi Haven 20 tháng tuổi.

 

Haven khi còn ở Việt Nam (Ảnh: Caters News Agency)

Dưới sự nuôi dạy của cha mẹ nuôi, Haven đã được lắp chân giả. Cô bé đam mê với thể thao, bắt đầu học bơi từ 4 năm trước và đã thể hiện được tố chất của một ngôi sao. Cô bé đã được nhận vào trường đào tạo vận động viên đặc biệt và được kỳ vọng trở thành lớp vận động viên trẻ kế cận đại diện cho nước Mỹ tham dự thế vận hội cho người khuyết tật Paralympics trong tương lai.

Ngoài bơi lội, Haven, năm nay 14 tuổi, còn hăng hái tham gia dự án “Models of Diversity” – một chương trình với mục đích truyền cảm hứng cho những trường hợp bị khuyết tật khác trên toàn thế giới. Cô bé hy vọng sẽ trở thành một hình mẫu cho những người khiếm khuyết như em có thêm niềm tin và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn như những gì Haven đã vượt qua.

 

Haven đeo chân giả tập chạy (Ảnh: Caters News Agency)

Haven kể rằng khi mọi người chứng kiến cô bé thi đấu, họ đã bất ngờ và ngạc nhiên đến mức nào trước nghị lực và tài năng của một cô bé khuyết tật.

“Điều em yêu nhất ở bơi lội là cảm giác tự do. Em có thể tháo chân giả ra và vùng vẫy thoải mái dưới nước. Em tự có một thế giới cho riêng em dưới nước”, Haven hào hứng kể về niềm đam mê bơi lội.

“Em muốn mọi người nhìn thấy em và họ sẽ cho rằng mang chân giả là việc hoàn toàn bình thường. Khác biệt là điều hoàn toàn bình thường. Em muốn họ chấp nhận những điều khác biệt ở người khác và hãy suy nghĩ tích cực kể cả khi họ có điều gì đó khác biệt”, Haven hào hứng nói về việc “truyền lửa” cho người khác.

Một gia đình tuyệt vời

Haven và cha mẹ nuôi. (Ảnh: Caters News Agency)

“Gia đình em có những người tuyệt vời. Cha mẹ luôn động viên em hãy tiến về phía trước, không được bỏ cuộc chỉ vì em mang chân giả”, Haven nói về gia đình..

Cha mẹ nuôi của Haven – Shelly and Rob, 56 và 57 tuổi – biết tin về cô bé thông qua tổ chức từ thiện Touch A Life năm 2005 và ngay lập tức bay sang Việt Nam để nhận bé làm con nuôi.

“Tôi đã nghe câu chuyện về Haven, về việc ông bà bé quá nghèo để nuôi dưỡng một đứa nhỏ khuyết tật. Tôi đã bàn với chồng. Ban đầu anh ấy còn ngần ngại về việc nhận nuôi. Nhưng khi thấy Haven, anh ấy đã yêu còn bé từ cái nhìn đầu tiên”, bà Shelly kể lại.

“Haven thân thiết với cha đến mức khi còn nhỏ nếu không có cha ôm ấp, con bé sẽ không thể ngon giấc. Ngày qua ngày, Haven đã chứng minh rằng không phải chúng tôi chọn con bé, mà con bé đã chọn chúng tôi. Và không có chân thì chẳng phải là việc quá lớn”, bà mẹ của 7 đứa con nói thêm.

Shelly nói bà luôn băn khoăn khi muốn kể lại câu chuyện bất hạnh cho Haven nghe. Nhưng bà tôn trọng Haven và luôn muốn cha mẹ ruột sẽ là một phần của cuộc đời cô bé. Vậy nên bà đã không giấu giếm và cho cô bé biết tường tận câu chuyện khi cô bé 5 tuổi. Ngạc nhiên thay, cô bé đã chấp nhận câu chuyện buồn và cố gắng không nhìn lại quá khứ.

Shelly cho rằng mọi người thường có định kiến về những người tật nguyền và bản thân bà đã từng nghĩ Haven nên có một cuộc sống yên bình sau những gì cô bé trải qua. Nhưng ngược lại, Haven đã không chọn cách sống đó. Cô bé không muốn chơi piano như gia đình định hướng, mà lựa chọn thể thao.

Ngoài thời gian học tập và chơi thể thao, Haven cũng tới thăm các trung tâm và bệnh viện của người khuyết tật, dùng câu chuyện của chính bản thân để động viên các bệnh nhân, từ những đứa trẻ tới những người ở tuổi về hưu, rằng họ hãy vui sống và lạc quan giống như chính Haven.

Angel Sinclair, người sáng lập dự án Model of Diversity, nhận xét Haven là một ví dụ điển hình của những người không bao giờ bỏ cuộc, không chấp nhận và đầu hàng số phận, không bao giờ để những khác biệt và khiếm khuyết ngăn cản theo đuổi đến cùng ước mơ của bản thân.

Một số hình ảnh khác về Haven:

 

(Ảnh: Caters News Agency)

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ