Thông tin Việt - Mỹ

95 người Việt từng phạm pháp có thể bị ICE trục xuất

Cơ quan Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ (ICE – Immigration and Customs Enforcement) đang ráo riết lùng bắt những người gốc Việt chưa là công dân Mỹ được thả về sau khi thụ án để chuẩn bị thủ tục trục xuất.

Anh Tùng Nguyễn, ở Santa Ana, mang tâm trạng lo lắng của người trong cuộc, cho biết: “Lúc trước họ (ICE) chỉ quan tâm đến những người qua Mỹ sau 1995, nhưng bây giờ trước hay sau cũng nằm trong tình trạng báo động như nhau. Mới đây, ba người vừa bị họ giữ lại và không cho biết thời gian.”

Anh Tùng từng bị vào tù vì liên đới đến một vụ giết người năm 1993, khi mới 16 tuổi. Tuy nhiên, anh là người duy nhất được Thống Ðốc California Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau 18 năm thụ án.

Ra tù, anh trở thành người đấu tranh cho quyền lợi của những cựu tù nhân muốn làm lại cuộc đời.

Theo lời anh kể, một cựu tù tên Tony Nguyễn, cư dân San Jose, bị ICE tạm giam hôm 20 Tháng Mười tại Rio Cosumnes Correctional Center, Sacramento.

Anh Tùng nói: “ICE đến nhà anh Tony nhưng không gặp anh nên hẹn anh ngày hôm sau đến trình diện. Khi anh lên, họ giữ anh ngay.”

Anh Tùng kể tiếp, một người khác là Henry Trần, cũng bị ICE giữ lại hôm 22 Tháng Mười và đưa đến nhà giam Rio. “Chỉ trong vài ngày mà ICE nhốt ba người mà tôi biết. Kỳ này họ ‘làm thiệt’ chứ không nhân nhượng như trước đây,” anh Tùng nói.

Người thứ ba bị ICE câu lưu là Nhung Trần. Cô vừa mãn tù, được thả ra, còn đang ở nhà ở tạm Crossroad Halfway House, Claremont thì bị ICE đến tận nơi đưa đi hôm 23 Tháng Mười.

Từ nhà giam tại Adelanto, California, cô Nhung nói với phóng viên Người Việt qua điện thoại bằng tiếng Anh: “Tôi nghĩ họ giữ tôi ở đây để làm thủ tục đưa tôi về Việt Nam.”

Sang Mỹ lúc còn nhỏ và không biết tiếng Việt, cô không biết sẽ làm gì khi bị trả về Việt Nam.

“Thà cho tôi hai bản án chung thân liên tiếp, tôi còn thích hơn là bị về Việt Nam vì tôi hoàn toàn không biết gì về Việt Nam cả.”

Sau đó, cả ba người Tony Nguyễn, Henry Trần và Nhung Nguyễn đều bị đưa đi tiểu bang Georgia.

Cả ba cùng đang sống trong tình trạng phập phồng lo sợ.

Theo những thông tin mà anh Tùng thu lượm, ngày 21 Tháng Chín năm 2017, ICE gửi cho Việt Nam 95 hồ sơ trục xuất để phỏng vấn và cấp visa (travel document).

Anh cho biết: “Phái đoàn của Việt Nam sẽ đến Mỹ để phỏng vấn, bắt đầu từ Tháng Mười đến Tháng Mười Một năm 2017 ở tiểu bang Georgia. Những hồ sơ gửi đến phái đoàn Việt Nam gồm những thành viên cộng đồng đến Mỹ trước và sau năm 1995.”

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư di trú Darren Chương Nguyễn nói: “Trong trường hợp này, ICE không làm gì sai cả. Những người chỉ mới có thẻ xanh (green card) có án đều nằm trong danh sách bị trục xuất từ khi có lệnh (1996). Sở dĩ chưa thấy gì xảy đến cho họ vì từ trước đến giờ, Việt Nam chưa đồng ý nhận lại họ mà thôi.”\

Ông thêm: “Nếu ICE gọi ai lên trình diện sớm hơn những lần trước, phần nhiều, họ sẽ giữ người này lại để làm thủ tục trục xuất.”

Ông giải thích: “Thí dụ, thường thì người này phải trình diện sáu tháng một lần nhưng lần này mới ba tháng mà họ đã gọi, đây là dấu hiệu.”

Luật sư di trú Tania Phạm nói: “Gần đây, Tổng Thống Donald Trump, với chính sách di trú khắt khe nên đã gây nhiều áp lực, hối thúc Việt Nam phải nhận những người này, và đây là kết quả.”

Cuối Tháng Chín, 1996, Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành đạo luật mang tên Luật Cải Cách Di Dân Bất Hợp Pháp và Trách Nhiệm của Người Nhập Cư (IIRAIRA).

Nội dung của đạo luật này liên quan đến việc trục xuất những người không phải công dân Mỹ mà phạm một trong những tội danh được liệt kê, bao gồm việc ăn cắp ở siêu thị, giả mạo chữ ký, tàng trữ ma túy. Luật này áp dụng với cả những người đã phạm tội từ hàng chục năm trước.

“Bất cứ người nào chưa thành công dân Mỹ mà phạm tội mang án tù từ một năm trở lên sẽ bị đưa vào chương trình trục xuất về nước ngay lập tức sau khi mãn án tù,” anh Tùng giải thích thêm.

Anh nhắc nhở rằng những người đã có lệnh trục xuất, đừng rời khỏi nước Mỹ và nên nhờ luật sư giúp đỡ. “Khi phải đến trình diện ICE, đừng đi một mình mà nên đi với gia đình hay bạn bè. Nếu có thể thì đi với luật sư,” anh Tùng khuyên.

Ngoài ra, anh còn khuyên những người này nên liên lạc với trung tâm Asian Law Caucus, số (415) 896-1701 hay Asians American Advancing Justice, số (888) 349 9695. Nói tiếng Việt, gọi (888) 267 7395.

Anh Tùng nói: “Ít nhất, họ có thể giúp bạn chuẩn bị tinh thần, nếu như bạn bị bắt lại.”

Tinnuocmy.com

Các tin cùng chuyên mục Thông tin Việt - Mỹ

Cộng đồng người Việt là 1 trong những cộng đồng Châu Á lớn nhất nước Mỹ. Ngôn ngữ Việt được xem là ngôn ngữ rất mạnh sau tiếng English và Spanish. Bao nhiêu năm qua với kinh nghiệm sống tại nước...

INFORMATION

Liên hệ